Thao tác định dạng sẽ làm gì trên thẻ nhớ?


Đã từ lâu rồi việc định dạng lại (format) thẻ nhớ là một trong những điều đầu tiên mà người dùng được khuyên là nên làm khi lắp một chiếc thẻ nhớ lạ vào máy ảnh. Nhưng chức năng định dạng đã làm gì? Và liệu nó có thực sự xóa hết ảnh của bạn hay không?

Tại sao bạn nên thực hiện việc định dạng thẻ nhớ?

Việc định dạng thẻ nhớ sẽ giống như một cú bắt tay gặp mặt giữa chiếc thẻ nhớ và cái máy ảnh của bạn vậy. Quá trình này hướng dẫn cho máy ảnh cách để cài đặt hệ thống quản lý file mới, thứ được biểu hiện là những thư mục có khả năng chứa những file ảnh và video.

Thư mục có chứa ảnh sẽ được đặt tên là DCIM (viết tắt của cụm từ Digital Camera Images), và đôi khi trong thư mục này có thể có nhiều thư mục con được tạo ra khi các thư mục trước đạt số lượng tối đa ảnh lưu trữ. Trong trường hợp lâu ngày không sử dụng, máy ảnh cũng sẽ tạo thư mục mới để tách biệt lưu trữ với những tấm ảnh đã được chụp từ lâu trước đó.

Ở trên một số những mẫu máy ảnh, việc chia thư mục để lưu trữ đôi khi còn phức tạp hơn. Có những máy thì lưu trực tiếp video vào các thư mục nêu trên, còn có những máy lại tự tạo ra những thư mục tách biệt với hàng tá những thư mục con khác và được ẩn đi để sử dụng làm nơi lưu trữ video.

Quá trình định dạng lại thẻ cũng như quá trình tạo dán nhãn vậy, nó cho phép máy ảnh phân loại dữ liệu vào những thư mục với cấu trúc sắp xếp nhất định. Cấu trúc này có thể được duy trì hoặc được mở rộng thêm khi bạn có thêm ảnh và video được lưu vào thẻ nhớ.

Cấu trúc thư mục này có thể được xóa dễ dàng bằng một vài thao tác trên máy tính nhưng nếu bạn làm vậy, máy ảnh sẽ lại tự tạo ra một cấu trúc mới thông qua chức năng định dạng.

Phải chăng việc định dạng đã xóa hết dữ liệu của thẻ nhớ?

Câu trả lời là không hoàn toàn. Việc định dạng lại thẻ thực chất ra chỉ là quá trình tạo ra một hệ thống thư mục mới hoàn toàn so với những thư mục từ lần sử dụng trước đó, đồng thời hướng máy ảnh tới hệ thống thư mục mới này. Điều này sẽ làm bạn không thể truy cập vào những bức ảnh hay video cũ thông qua chiếc máy ảnh mình đang dùng hay thông qua những cách truy cập thông thường trên máy tính vì những thư mục cũ chẳng hề còn ở đó.

Tuy nhiên, những dữ liệu cũ trên thẻ nhớ vẫn hoàn toàn có thể được phục hồi lại thông qua những phần mềm phục hồi ảnh. Điều này tương đương với việc những bức ảnh đó vẫn còn ở trên thẻ nhớ, chỉ có điều là không còn nằm trong những thư mục trước đó mà thôi. Điều này sẽ rất hữu ích nếu bạn chẳng may xóa nhầm một vài bức ảnh hoặc thực hiện việc định dạng lại thẻ nhớ. Song tỷ lệ thành công khi phục hồi lại những dữ liệu trên không phải là 100%.

Nhưng làm thể nào để chắc chắn rằng dữ liệu cũ trên thẻ nhớ đã thực sự biến mất chưa? Bởi có thể bạn muốn chúng phải được xóa hoàn toàn vì lý do bảo mật.

Cách triệt để nhất đó chính là chúng ta đem tiêu hủy chiếc thẻ nhớ không cần tới để không ai khác có thể được nhìn thấy những gì mà nó lưu trữ. Tuy nhiên vẫn còn có những phương pháp khác nhằm khiến việc phục hồi lại dữ liệu trở nên khó khăn hơn. Một trong số đó, theo lời khuyên của hãng Canon, đó chính là thực hiện chụp ảnh chèn đầy bộ nhớ mà không tháo nắp ống kính. Canon cũng trang bị trên nhiều mẫu máy ảnh của mình chức năng "định dạng sâu" (Low level fomat). Chức năng này được cho là sẽ xóa tất cả dữ liệu nằm trên phân vùng có thể khôi phục của thẻ, đồng nghĩa với việc làm cho chúng gần như không thể phục hồi.

Bao lâu thì tôi nên định dạng thư mục một lần?

Như một quy tắc thông thường, việc định dạng lại thẻ nhớ nên được thực hiện thường xuyên ngay cả khi bạn hoàn toàn có khả năng xóa những bức ảnh mình không cần. Thường xuyên định dạng lại thẻ nhớ sẽ giúp máy ảnh lưu dữ liệu vào thẻ nhớ hiệu quả hơn. Và đôi khi bạn cũng có thể khắc phục một số lỗi liên quan tới thẻ nhớ thông qua việc định dạng lại (nhưng nhớ là trước đó hãy lưu dữ liệu trong thẻ vào nơi an toàn đã nhé!). Vậy thì tại sao chúng ta lại không thực hiện việc định dạng lại thường xuyên nhỉ?

theo vnreview



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn