Nếu bạn là người khó tính trong nhiếp ảnh, chắc chắn bạn sẽ chọn những cỗ máy có thể thay đổi ống kính.
Những máy ảnh cao cấp nhất vẫn là những chiếc full-frame với kích thước cảm biến lên tới 35 mm, tương đương những máy chụp bằng phim của thế kỷ trước. Nhưng nếu hầu bao không cho phép, những chiếc DSLR dùng cảm biến APS-C có kích thước bằng 1/2 vẫn cho chất ảnh không quá kém mà giá thành ở mức chấp nhận được.
Bên trong một máy DSLR là một gương phản chiếu đưa những tia sáng lọt qua ống kính phản xạ lên một màn hình ngắm quang học, giúp bạn nhìn rõ khung cảnh cần chụp. Tại thời điểm bạn bấm nút chụp, cửa trập mở ra trong khi gương phản chiếu bị lật lên, cho phép các tia sáng rọi trực tiếp lên cảm biến và ghi lại thành hình ảnh. Thiết kế đơn giản nhưng đầy hiệu quả ấy đã được tin dùng và sử dụng suốt hàng thập kỷ qua.
Tuy vậy với từng mẫu DSLR, chúng lại có các đặc tính, chất lượng và giá thành khác nhau. Do đó tuỳ theo kinh nghiệm và túi tiền của bạn, chúng tôi hy vọng bạn có thể tìm thấy mẫu DSLR vừa ý nhất trong danh sách 2015 do trang công nghệ TechRadar tuyển chọn.
1. Nikon D810
Model full-frame được ưa thích của Nikon, kết hợp ảnh có độ phân giải cực cao cùng cấu hình và giá trị đẳng cấp.
Cảm biến - full frame, 36,3 Mp | Ống kính - Nikon FX, DX (ở chế độ crop) | Màn hình - 3,2-inch, 1.229K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 5 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Chuyên gia máy ảnh
Giá chính hãng - 65,4 triệu đồng (3000 USD)
Mẫu full frame D810 của Nikon là vua của vương quốc DSLR. Nó có độ phân giải cao nhất trong những chiếc DSLR hiện tại (cho tới khi Canon 5DS được bán chính thức), được thiết kế như một chiếc xe tăng và chụp ra những bức ảnh tuyệt đẹp. Tốt nhất trong tất cả nhưng giá của D810 không thật sự cao. Nó đắt so với những chiếc DSLR cảm biến APS-C, nhưng so với một chiếc camera chuyên nghiệp thì không hề.
Thêm vào đó Nikon cũng bỏ đi bộ lọc răng cưa thường nằm phía trước cảm biến DSLR nhằm đạt mức phân giải tối đa cho cỗ máy. Trong trường hợp nếu bạn là người hay chụp ảnh tốc độ cao, như ảnh thể thao hoặc thiên nhiên hoang dã, 2 mẫu Canon EOS-1D X và Nikon D4s có tốc độ chụp liên tục cao hơn, nhưng không chiếc nào có thể sánh ngang với D810 về chất lượng ảnh. Nó chính là "đắt xắt ra miếng".
2. Canon EOS 7D Mark II
Một chiếc DSLR chụp nhanh như dòng máy chuyên nghiệp nhưng giá thành cho dân nghiệp dư.
Cảm biến - APS-C, 20,2 Mp | Ống kính - Canon EF-S, EF | Màn hình - 3-inch, 1.040K chấm | Ống ngắm- Quang học | Chụp liên tục - 10 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Chuyên gia máy ảnh
Giá chính hãng - 39,2 triệu đồng (1800 USD)
Ở trên chúng tôi có nhắc đến Canon EOS-1D X và Nikon D4s vì chúng có tốc độ chụp liên tục rất cao - bù lại chúng cũng rất đắt. Nhưng Canon đã giới thiệu mẫu EOS 7D Mark II, một chiếc máy ảnh chụp được ở tốc độ 10 fps với hệ thống ngắm tự động chuyên nghiệp, đến với phân khúc nghiệp dư. Giờ đây bạn có thể chụp những tấm ảnh tốc độ cao như dân chuyên nghiệp, nhưng giá thành trong tầm với của nhiều người hơn.
7D Mark II không chỉ là một chuyên gia về tốc độ chụp, nó còn rất bền bỉ về mọi góc độ. Được thiết kế từ hợp kim nguyên khối có thể chịu đựng mọi điều kiện thời tiết, chiếc máy ảnh còn có một cảm biến rất tốt và hệ thống lấy nét tự động lai dual-pixel. Dĩ nhiên, nó còn là cả một máy quay phim cực mạnh.
3. Nikon D7200
Đa năng, mạnh mẽ và chất lượng tuyệt hảo - model lý tưởng cho dân mê nhiếp ảnh.
Cảm biến - APS-C, 24,2 Mp | Ống kính - Nikon DX, FX | Màn hình - 3,2-inch, 1.229K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 6 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Nhiếp ảnh hạng trung
Giá chính hãng - 26,1 triệu đồng (1200 USD)
Nếu bạn muốn ảnh chất lượng cao nhưng lại không cần tốc độ cao, hãy điểm qua Nikon D7200. Nó rẻ hơn rất nhiều so với Canon EOS 7D Mark II nhưng dùng cảm biến APS-C 24 Mp mới nhất của Nikon và không kèm bộ lọc răng cưa nhằm tạo ra những tấm ảnh sắc nét nhất mà bạn có thể thấy ở những chiếc DSLR full-frame.
Tuy D7200 không sánh được với model trên của Canon ở tốc độ chụp, nhưng nó vẫn có thể "bắn ra" tới 6 tấm ảnh mỗi giây, đạt mức tối đa 100 ảnh JPEG hoặc 27 ảnh RAW. Và cỗ máy này có hệ thống lấy nét tự động 51 điểm, đưa nó vào trong phân khúc DSLR chuyên nghiệp của Nikon.
4. Canon EOS 70D
Chiếc DSLR đa năng tầm trung với mức giá giảm liên tục là một lựa chọn tốt cho nhiều người.
Cảm biến - APS-C, 20,2 Mp | Ống kính - Canon EF-S, EF | Màn hình - rời 3-inch, 1.040K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 7 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Nhiếp ảnh hạng trung
Giá chính hãng - 26,1 triệu đồng (1200 USD)
Tuy giá thành đã giảm nhưng chiếc EOS 70D cũ-mà-tốt vẫn có một màn hình đa năng với hệ thống lấy nét tự động dual-pixel ở chế độ live view hoặc hệ thống lấy nét tự động tốc độ cao 19 điểm nếu người dùng chụp ảnh thông qua ống ngắm quang học. Với tốc độ chụp liên tục 7 fps, 70D vẫn phù hợp cho những ảnh tốc độ cao.
Model này vẫn có những tính năng chụp ảnh của dòng Canon chuyên nghiệp - gồm một màn LCD báo trạng thái phụ ở trên đỉnh máy cùng 2 nút điều khiển dạng xoay - nhưng trong một mức giá chấp nhận được. Và tuy 70D đã ra mắt từ tháng 7/2013, nhưng cảm biến của nó vẫn là mẫu mới nhất của Canon. Thế nên bạn đừng thấy ngại, chỉ là "tuổi cao" khiến cho nó phải giảm giá để thị trường đón nhận những model mới hơn.
5. Sony A77 II
Khả năng lấy nét cùng tốc độ chụp siêu nhanh chính là sức mạnh của kiểu thiết kế SLT từ Sony.
Cảm biến - APS-C, 24,3 Mp | Ống kính - Sony A-mount | Màn hình - rời 3-inch, 1.228K chấm | Ống ngắm - Điện tử | Chụp liên tục - 12 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Chuyên gia máy ảnh
Giá chính hãng - 19,6 triệu đồng (900 USD)
Đừng vội nhìn qua vẻ ngoài của những chiếc Sony Alpha DSLT và bị nhầm. Những chiếc máy này có thân hình và cách cầm giống một chiếc DSLR thông dụng nhưng chúng lại dùng một gương phản chiếu cố định và do đó, có ống ngắm điện tử thay vì quang học. Điều này có nghĩa là hệ thống lấy nét tự động theo pha của A77 II hoạt động ở mọi thời điểm và bạn không cần phải chuyển sang hệ thống lấy nét dựa trên cảm biến có tốc độ chậm hơn ở chế độ live view.
Mẫu A77 II mới này còn được tăng cường thêm tốc độ lấy nét cực nhanh, một màn hình LCD rời và khả năng chụp tốc độ cao lên đến 12 fps.
6. Canon EOS 6D
Mẫu full-frame rẻ nhất có trên thị trường.
Cảm biến - full frame, 20,2 Mp | Ống kính - Canon EF (không phải EF-S)| Màn hình - 3-inch, 1.040K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 4,5 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Chuyên gia máy ảnh
Giá chính hãng - 37 triệu đồng (1700 USD)
Không phải lúc nào chiếc camera tốt cũng đều dựa trên những công nghệ mới nhất. Mặc dù với hầu hết trường hợp thì những con số lớn nhất và tính năng mới nhất là cơ sở để đánh giá một sản phẩm tốt, nhưng đôi khi những điều đơn giản nhất quyết định tất cả. EOS 6D là một ví dụ như vậy. Nó không sở hữu những thiết kế mới nhất như những chiếc DSLR khác nhưng nó là chiếc full-frame rẻ nhất trên thị trường. Và chỉ điều đó thôi cũng giúp nó đánh bại những đối thủ APS-C khác có nhiều tính năng "ảnh ọt" hơn ở mặt chất lượng ảnh. Một cảm biến lớn hơn chắc chắn sẽ thu được nhiều sáng hơn và cho ra những khung hình chất lượng hơn.
7. Nikon D750
Mẫu full-frame đáng giá, đa năng và hiệu suất cao.
Cảm biến - full frame, 24,3 Mp | Ống kính - Nikon FX, DX (ở chế độ crop) | Màn hình - 3,2-inch, 1.229K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 6,5 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Chuyên gia máy ảnh
Giá chính hãng - 43,6 triệu đồng (2000 USD)
Vẫn là sân chơi full-frame, nhưng nếu bạn không có đủ tiền cho Nikon D810, mà lại cần tính năng cao hơn Canon EOS 6D, Nikon D750 là ứng cử viên sáng giá. Tuy độ phân giải không cao như 810, kích thước ảnh 24 Mp vẫn cho bạn chất lượng ảnh hàng top, đặc biệt khi chụp ISO cao. Thêm vào đó, tốc độ chụp liên tục của 750 có phần nhỉnh hơn 810. Chưa kể, bạn vẫn có những tính năng cao cấp như hệ thống lấy nét tự động và tuỳ chọn Picture Control 2.0 của 810, nhưng ở cái giá thấp hơn đáng kể.
8. Nikon D3300
Hàng "rẻ tiền" nhưng chất lượng không tệ.
Cảm biến - APS-C, 24,2 Mp | Ống kính - Nikon FX, DX | Màn hình - 3-inch, 921K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 5 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Nhập môn DSLR
Giá chính hãng - 10,9 triệu đồng (500 USD)
So với tất cả các model ở trên, D3300 trông như "đứa con nít" về giá thành. Tuy vậy, nó vẫn được trang bị một trong những cảm biến APS-C sắc nét nhất và một bộ kit ống ngắm có thể rút gọn được. Đây là bằng chứng cho việc bạn không cần tốn cả gia tài để sở hữu một máy ảnh tốt. Chưa kể khi so sánh với một số model đắt tiền hơn, D3300 vẫn có nhiều tính năng cao cấp hơn.
Chiếc camera có một cảm biến không khử răng cưa 24 Mp tương đương với những chiếc DSLR APS-C tốt nhất mà Nikon đang có. Nhưng hệ thống điều khiển của D3300 được thiết kế dành cho dân nghiệp dư. Và nếu rơi vào tay một người biết chụp ảnh, D3300 vẫn có thể tạo ra những tấm ảnh không thua kém là bao so với những chiếc máy đắt tiền gấp đôi, gấp ba khác.
9. Sony A58
Model cơ bản và rẻ tiền từ Sony nhưng giá trị tuyệt vời, đặc biệt khi kèm thêm ống kính.
Cảm biến - APS-C, 20,1 Mp | Ống kính - Sony A-mount | Màn hình - nghiêng 2,7-inch, 460K chấm | Ống ngắm - Điện tử | Chụp liên tục - 8 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Nhập môn DSLR
Giá chính hãng - 9,8 triệu đồng (450 USD)
Ở mức rẻ tiền, A58 là một món không thể hời hơn mà bạn có thể tìm được. Nó là mẫu DSLT rẻ nhất mà công ty này cung cấp, song vẫn có những tính năng ấn tượng, như cảm biến APS-C 20 Mp, khả năng chụp liên tục 8 fps và chế độ ổn định ảnh SteadyShot. Nếu may mắn, bạn có thể tìm được một kit 2 ống kính hoặc thậm chí là 3 ống kính. A58 là một khởi điểm tốt nếu bạn muốn bắt đầu với DLSR.
10. Pentax K-S2
Một lựa chọn bền bỉ và mạnh mẽ khác ngoài Nikon và Canon.
Cảm biến - APS-C, 20,1 Mp | Ống kính - Pentax KA | Màn hình - rời 3-inch, 921K chấm | Ống ngắm - Quang học | Chụp liên tục - 5,4 fps | Quay phim - 1080p | Trình độ người dùng - Nhiếp ảnh hạng trung
Giá chính hãng - 18,5 triệu đồng (550 bảng)
Đừng quên Pentax. Dù thị trường DSLR có vẻ bị thống trị bởi Nikon và Canon, nhưng Pentax vẫn cho ra những mẫu DSLR bền bỉ và cải tiến mới, cho phép chúng trở thành các lựa chọn thay thế nghiêm túc. Mặc dù câu chuyện về K-S1 có chút gây bối rối cho người dùng, nhưng K-S2 lại là một lựa chọn đúng nghĩa cho những ai cần một chiếc DSLR bền bỉ.
Thiết kế chịu đựng các điều kiện thời tiết giúp nó thành một lựa chọn lý tưởng cho việc chụp ảnh ngoài trời. Tuy Pentax xếp K-S2 vào một chiếc camera "gia đình" song nó vẫn có những tính năng cao cấp như phím điều khiển dạng xoay, màn hình LCD rời và một cảm biến không khử răng cưa 20 Mp.
Theo TechRadar