Quang học và điện tử: lựa chọn nào cho kính ngắm máy ảnh


Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong những năm gần đây, kính ngắm điện tử (EVF – Electronic ViewFinder) đã xuất hiện ngày càng nhiều trên máy ảnh, đặc biệt là các dòng máy ảnh không gương lật (mirrorless).

Thực chất, kính ngắm điện tử (gọi tắt là EVF) là một màn hình điện tử (LCD, LED, OLED) độ phân giải cao nằm ở trong kính ngắm của máy ảnh. Quy tắc hiển thị của loại kính ngắm này là hình ảnh được thu vào cảm biến ảnh qua ống kính, sau đó được truyền vào màn hình điện tử trên kính ngắm.

Picture 1
Picture 1

1. Ống kính

2. Màn trập

3. Cảm biến ảnh

4. Dây truyền dữ liệu

5. Màn hình điện tử

6. Kính ngắm

Trong khi đó, kính ngắm quang học (gọi tắt là OVF) thường được trang bị trên các máy ảnh có gương lật. Nó dùng một hệ thống gương và lăng kính 5 cạnh phức tạp để người dùng có thể nhìn hình ảnh được truyền trực tiếp vào ống kính. Đầu tiên, hình ảnh được thu qua ống kính rồi phản chiếu lên một tấm gương đặt chéo, sau đó được truyền qua lăng kính 5 cạnh và chiếu vào mắt người dùng thông qua kính ngắm.

Picture 2
Picture 2

1. ống kính

2. Gương lật

3. Màn trập

4. Cảm biến

5. Màn lấy nét

6. Thấu kính hội tụ

7. Lăng kính 5 cạnh

8. Kính ngắm

So sánh

- Góc nhìn

Các máy ảnh với OVF thường có thông số ‘độ bao phủ của kính ngắm’ (thường dao động từ 92% đến 100%). Thông số này để chỉ độ bao phủ của hình ảnh người dùng sẽ thấy trong kính ngắm khác như thế nào với hình ảnh được thu vào cảm biến. Mặc dù con số này nhỏ và không làm ảnh hưởng nhiều tới việc chụp ảnh, nhưng đôi lúc người dùng sẽ không chụp được như ý muốn vì phần rìa ảnh bị lọt những vật thể không đáng có trong bức ảnh.


So sánh kích thước góc nhìn kính ngắm của các loại máy ảnh.

So sánh kích thước góc nhìn kính ngắm của các loại máy ảnh.

Với EVF, những gì người chụp thấy là những gì sẽ được ghi lại trên cảm biến một cách chính xác, do đó độ bao phủ của kính ngắm luôn là 100%.


EVF của máy ảnh không gương lật Fujifilm X30.

EVF của máy ảnh không gương lật Fujifilm X30.

- WYSIWYG (What You See Is What You Get) – Những gì thấy là những gì được chụp

Điều này chỉ đúng với EVF khi chúng ta có thể thấy độ phơi sáng, độ sâu trường ảnh được thể hiện một cách rõ ràng trên kinh ngắm. Với OVF, những hiệu ứng này sẽ chỉ thể hiện rõ ràng khi xem lại ảnh đã được chụp.


Độ sâu trường ảnh được thể hiện rõ qua EVF.

Độ sâu trường ảnh được thể hiện rõ qua EVF.

Điều này quan trọng bởi vì nó sẽ tiết kiệm thời gian rất nhiều cho người chụp. Hãy thử tưởng tượng đang chụp một tấm hình với OVF, khi chụp xong và thấy tấm hình hơi tối so với mong đợi, người chụp sẽ phải chỉnh lại các thông số và chụp lại lần nữa. Tuy nhiên với EVF, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn vì chúng ta có thể thấy rõ tấm hình mình sẽ chụp bị tối hơn so với mong đợi trên kính ngắm.

- Thông tin hiển thị trên kính ngắm

OVF thường chỉ hiện ít thông tin, ví dụ như điểm lấy nét, thanh đó sáng, lượng pin… Nhưng với EVF, lượng thông tin được hiển thị lớn hơn nhiều so với OVF. Những thông tin hữu dụng đáng kể đến như là biểu đồ histogram để giúp hình đạt được độ sáng tối ưu, focus peaking để lấy nét một cách chính xác. Hơn thế nữa, người chụp có thể tinh chỉnh các thông tin sẽ hiển thị trên EVF để phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân, điều mà bất khả thi trên OVF.


OVF của Canon EOS 60D.

OVF của Canon EOS 60D.

 


EVF của Fujifilm X100.

EVF của Fujifilm X100.

- Kích thước và thời lượng sử dụng

Như đã nêu ở trên, OVF dùng hệt thống lăng kính phức tạp nên kích thước của nó tương đối lớn và nặng. Trong khi đó, EVF nhỏ gọn và nhẹ hơn do chỉ dùng các bản mạch điện tử. Ngoài ra, do sử dụng màn hình nên EVF sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng từ pin hơn so với OVF.

- Khả năng chụp trong điều kiện có nguồn sáng mạnh

Các nguồn sáng mạnh như mặt trời, đèn pha, ngọn lửa lớn là một sự bất tiện lớn đối với những nhiếp ảnh gia sử dụng OVF. Vì dùng cơ chế quang học để đưa hình ảnh đến mắt, khi nhìn những nguồn sáng mạnh qua OVF cũng tương đương khi nhìn bằng mắt thường. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến mắt nếu không cẩn thận khi chụp ảnh. Trái lại, với EVF, do kính ngắm dùng cơ chế thu hình ảnh vào cảm biến và hiển thị lên màn hình, nên những vùng ánh sáng mạnh sẽ được hiển thị bằng màu trắng và nó không làm ảnh hưởng đến mắt người chụp.


Ánh mặt trời chói chang trên OVF.

Ánh mặt trời chói chang trên OVF.

Điều này có thể là ưu hoặc nhược điểm phụ thuộc vào sở thích của từng người. Có người thích sự chân thật của nguồn sáng khi sử dụng OVF, có người lại thích đôi mắt của họ được bảo vệ với EVF.

- Khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng

Trong điều khiện thiếu sáng, EVF thường tăng độ mạnh và giảm độ làm tươi (refresh rate) của tín hiệu hình ảnh để chúng ta có thể thấy rõ hơn. Tuy nhiên điều này sẽ làm tăng độ nhiễu (noise) của EVF và khiến cho hình ảnh hiện thị không được mượt.


Ảnh minh hoạ tình trạng nhiễu hình trong điều kiện chụp thiếu sáng.

Ảnh minh hoạ tình trạng nhiễu hình trong điều kiện chụp thiếu sáng.

Trong khi đó, OVF thì không bị vấn đề này vì cơ chế cơ học của nó. Có thể nói, OVF dành được lợi thế khi chụp trong điều kiện thiếu sáng nhưng với sự phát triển không ngừng về công nghệ thì khả năng hiển thị của EVF sẽ vượt mặt OVF trong tương lai rất gần.

Kết luận

Việc lựa chọn giữa OVF và EVF phụ thuộc vào sở thích cũng như chiếc máy ảnh mà người dùng lựa chọn. Có người sẽ thích OVF hơn vì tính chân thực cũng như ít hao pin hơn của nó, có người lại chọn EVF vì họ thích nhiểu thông tin được hiển thị trên kính ngắm.

Theo Genk.vn



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn