Trải nghiệm Fujifilm X-T10: nhỏ gọn, phù hợp nhiều mục đích chụp ảnh


Là một người thích đem máy ảnh theo mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là hay dạo bộ để chụp ảnh đời thường, tôi rất thích kiểu thiết kế gọn nhẹ nhưng không kém phần cơ động của X-T10.

Fujifilm X-T10 là dòng máy ảnh mirrorless (không gương lật), có thể thay ống kính mới nhất trong loạt sản phẩm X của Fujifilm. Có thể nói Fujifilm X-T10 chính là phiên bản rút gọn của X-T1 với thiết kế nhỏ gọn hơn, nhẹ hơn và loại bỏ tính năng chống chịu thời tiết nhằm đem đến giá thành hợp lý hơn cho người tiêu dùng.

Tuy chỉ là phiên bản rút gọn nhưng X-T10 đem đến rất nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng. Ngoài thiết kế gọn nhẹ, X-T10 vẫn được trang bị cảm biến APS-C X-Trans II CMOS với độ phân giải 16,3 megapixel cùng bộ xử lý ảnh EXR II đem đến chất lượng tương đương như trên X-T1. Bên cạnh đó, Fuji đã nâng cấp hệ thống lấy nét hoàn toàn mới trên chiếc máy ảnh này giúp khả năng bắt nét chuyển động được tốt hơn.

Máy mang nhiều đường nét hoài cổ.
Máy mang nhiều đường nét hoài cổ.

Về phần thiết kế, Fujifilm tiếp tục đem đến nét hoài cổ quen thuộc lên chiếc máy ảnh này với nhiều đường nét cơ khí đẹp mắt và cứng cáp, gợi cho người dùng nhớ đến những chiếc máy ảnh phim thời xưa. Cả hai mặt trên và dưới của X-T10 được đúc bằng magie, đem lại độ chắc chắn và "mát" đặc trưng của kim loại nhẹ. Ngoài ra, phần flash cóc của X-T10 cũng được Fujifilm thiết kế rất tinh tế và "giấu" rất khéo nên không làm ảnh hưởng đến vẻ thanh thoát bên ngoài của máy.

Flash cóc sau khi được bật ra.
Flash cóc sau khi được bật ra.

Trải nghiệm:

Tuy được thiết kế nhỏ gọn hơn nhưng khi cầm trên tay, X-T10 mang lại cho tôi cảm giác khá thoải mái và "đầm" tay. Bên cạnh đó, chiếc máy ảnh này còn có phần báng cao su với vân giả da ở phía trước thân máy, giúp người dùng cầm máy dễ dàng và chắc chắn hơn. Tuy nhiên, phần báng này có kích thước hơi bé so với tay của người viết nên hơi khó thao tác khi kết nối với ống kính có trọng lượng cao.

Gờ cao su bên cạnh phải giúp ngón tay cái tựa vào, cầm nắm chắc chắn hơn.

Gờ cao su bên cạnh phải giúp ngón tay cái tựa vào, cầm nắm chắc chắn hơn.

Là một người thích đem máy ảnh theo mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là hay dạo bộ để chụp ảnh đời thường, tôi rất thích kiểu thiết kế gọn nhẹ nhưng không kém phần cơ động của X-T10. Với chiếc máy này cầm đi trên phố, tôi sẽ ít bị các đối tượng để ý hơn so với những chiếc DSLR cồng kềnh, nhờ đó dễ dàng tiếp cận đối tượng chụp ảnh mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Và cũng chính vì phải đi bộ nhiều trên phố, khối lượng máy đối với tôi cũng rất quan trọng, và lúc này chính X-T10 lại dễ dàng đánh bật bất kì đối thủ DSLR nào.

Fuji X-T10 sở hữu tổng cộng ba vòng xoay điều chỉnh thông số, nhằm đem lại sự tiện dụng hơn cho người dùng, bao gồm vòng điều chỉnh tốc độ màn trập (từ B cho đến 1/4000s), vòng điều chỉnh bù trừ sáng và vòng chỉnh các chế độ chụp. Như vậy, vòng điều khiển ISO vốn xuất hiện trên X-T1 đã bị thay thế bởi vòng chế độ chụp và theo quan điểm cá nhân, tôi rất thích sự thay đổi này.

Ba vòng xoay điều chỉnh thông số.

Ba vòng xoay điều chỉnh thông số.

Fuji đã đưa tính năng tùy chỉnh ISO lên vòng bánh răng nhỏ phía trước thân máy giúp việc thao tác điều chỉnh thông số được dễ dàng hơn. Nhờ đó, tôi có thể điều chỉnh các thông số như tốc độ màn trập, bù trừ sáng và ISO chỉ bằng 1 tay phải một cách dễ dàng và tiện lợi.

Tuy chỉ mang trong mình thân hình nhỏ bé, nhưng chất lượng mà Fujifilm X-T10 mang lại khá ấn tượng. Kết quả hình ảnh mà chiếc máy này mang lại có độ chi tiết rất tốt, màu sắc trông ấm và độ tương phản cao. Nói thêm về ISO, chiếc máy ảnh này hỗ trợ dải ISO từ 100 đến tối đa 51.200. Ở mức ISO 3200 và thậm chí 6400, chi tiết của ảnh vẫn còn được bảo toàn khá tốt, tuy nhiên khi đẩy mức ISO cao hơn, ảnh bắt đầu có hiện tượng bệt màu và có phần hơi mịn quá mức dẫn đến mất chi tiết. Nguyên nhân là do máy cố gắng khử tình trạng nhiễu hạt (noise) ở ISO cao đã khiến cho chi tiết ảnh bị làm mịn quá mức.

Chụp trong điều kiện thiếu sáng, ISO 3200.

Chụp trong điều kiện thiếu sáng, ISO 3200.

Bên cạnh màn hình LCD kích thước 3 inch, điểm mà tôi thích nhất ở chiếc máy Fuji X-T10 này chính là ống ngắm điện tử (EVF). Ống ngắm điện tử trên chiếc máy ảnh này sử dụng màn hình OLED có độ phân giải 2,36 triệu điểm ảnh, tương đương với trên X-T1, cho chất lượng hiển thị đáng kinh ngạc.

Ống ngắm điện tử.
Ống ngắm điện tử.

Trong quá trình trải nghiệm, tôi luôn có xu hướng sử dụng ống ngắm điện tử này hơn là ngắm qua LCD, bởi ở điều kiện ánh sáng gắt màn LCD sẽ lộ rõ nhược điểm là bị chói, và ống ngắm điện tử trên X-T10 lại chính là cứu tinh trong những trường hợp như thế này. Dù điều kiện ánh sáng ban ngày hay ở trời tối, ống ngắm điện tử của X-T10 vẫn luôn đáp ứng được yêu cầu của tôi do khả năng hiển thị rất tốt cùng nhiều thông số ảnh rõ ràng trên ống ngắm.

Nói về hệ thống tự động lấy nét, bên cạnh chế độ lấy nét theo điểm, Fuji X-T10 còn có chế độ lấy nét theo vùng (Zone) và lấy nét góc rộng/tự động bắt nét (Wide/Tracking AF). X-T10 sử dụng 49 điểm lấy nét trên chế độ lấy nét điểm, trong khi đó, nếu chọn lấy nét vùng hoặc lấy nét rộng, chiếc máy ảnh này cung cấp tối đa đến 77 điểm nhằm bắt nét các chủ thể chuyển động một cách chính xác hơn. Với vòng xoay ở phía trước thân máy, người dùng còn có thể thay đổi kích cỡ điểm lấy nét này cho phù hợp hơn với nhu cầu chụp.

Chọn điểm lấy nét trên máy.

Chọn điểm lấy nét trên máy.

Bên cạnh đó, chiếc máy ảnh Fuji này còn hỗ trợ chụp nhanh lên đến 8 khung hình 1 giây giúp người dùng không bỏ sót bất kỳ khoảnh khắc nào. Qua trải nghiệm, phải nói rằng hệ thống lấy nét trên chiếc máy Fuji này rất tốt và nhạy, đây là một điểm cộng mà tôi thấy xứng đáng trên chiếc X-T10 này.

Một điểm tiếp theo mà tôi thích chính là mỗi lần chuyển sang chế độ lấy nét tay, khi vặn vòng lấy nét trên lens thì ống ngắm điện tử (hoặc màn hình LCD) sẽ tự động zoom lại chủ thể đang lấy nét để hỗ trợ tôi có thể lấy nét chính xác hơn. Fuji cung cấp 3 kiểu hỗ trợ lấy nét trên X-T10, bao gồm Standard, Focus Peak Highlight, và Digital Split Image. Về phần Standard, máy sẽ không hỗ trợ gì nhiều ngoài việc zoom lớn chủ thể cho người dùng; còn ở kiểu hỗ trợ Focus Peak Highlight, màn hình sẽ báo vùng đang được lấy nét bằng những hột màu li ti.

Tùy chỉnh 3 chế độ hỗ trợ lấy nét tay.
Tùy chỉnh 3 chế độ hỗ trợ lấy nét tay.

Với chế độ hỗ trợ lấy nét Digital Split Image, hình ảnh chủ thể sẽ bị cắt ra nếu không đúng nét, và người dùng sẽ vặn đến khi nào 2 hình ảnh được ráp lại liền mạch, lúc này chủ thể sẽ đạt độ nét tối đa. Đây là cách lấy nét theo ý tưởng từ những máy chụp phim ngày xưa, và cá nhân tôi rất thích sử dụng kiểu hỗ trợ này nhất trong 3 loại do nó đem lại cảm giác như đang trải nghiệm trên những chiếc máy phim cũng như tạo sự chính xác tuyệt đối trong việc lấy nét.

Điểm đặc biệt không thể không nhắc đến ở những dòng máy Fujifilm chính là khả năng giả lập màu ảnh phim, và tất nhiên X-T10 cũng không ngoại lệ. Chiếc máy ảnh này cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn giả lập màu từ một số loại phim màu nổi tiếng như Astia, Velvia, Provia...hoặc trắng đen. Cá nhân sau khi sử dụng những bộ lọc này, hầu như tôi không cần phải tốn thời gian cho công đoạn chỉnh màu hình ảnh bằng các công cụ chỉnh sửa nữa vì đã quá ưng với kết quả màu mà chiếc máy ảnh này đem lại. Bên cạnh bộ lọc màu phim phong phú, X-T10 cũng cung cấp nhiều chế độ chụp khác nhau như Multi exposure (chồng ảnh), chụp toàn cảnh Panorama, chế độ Low key, High key, Toy camera, Miniature...nhằm đem lại trải nghiệm đa dạng hơn cũng như giúp người dùng thỏa sức sáng tạo ảnh cho riêng mình.

Tính năng giả lập màu phim đặc trưng của Fuji.
Tính năng giả lập màu phim đặc trưng của Fuji.

Fujifilm X-T10 cũng được trang bị tính năng kết nối không dây với điện thoại di động thông qua Wifi hotspot. Chỉ cần tải về ứng dụng của Fujifilm cung cấp trên iOS hoặc Android, người dùng có thể dễ dàng kết nối và trích xuất hình ảnh một cách nhanh chóng. Đây là điểm cực kỳ tiện lợi đối với những ai muốn có ảnh ngay để tải lên mạng xã hội hoặc Instagram mà không cần phải cắm thẻ nhớ vào máy tính khá rườm rà, đặc biệt là đối với những ai đang đi du lịch mà không đem theo laptop thì tính năng này lại thực sự rất hữu dụng.

Về phần pin, chiếc máy ảnh này sử dụng loại pin NP-W126 lithium-ion giống với X-T1, thời lương pin sử dụng được là khoảng 350 tấm cho một lần sạc. Đối với một người hay đi chụp phố như tôi thì thời lượng này là quá đủ để đáp ứng cho cả ngày.

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cá nhân tôi vẫn thấy Fujifilm X-T10 có một số nhược điểm nhỏ cần khắc phục. Đầu tiên là phần màn hình lật, góc lật của X-T10 vẫn còn khá hạn chế khi chỉ lật được một số góc nhất định chứ không cơ động, đặc biệt một số người dùng ưa thích selfie sẽ không thích điểm này vì màn hình của máy không thể lật được 180 độ. Thứ hai là máy đưa vào quá nhiều tính năng và nút bấm khiến cho một số người dùng sẽ cảm thấy rối rắm trong quá trình thao tác, thậm chí sẽ có nhiều người rất bỡ ngỡ khi lần đầu cầm máy trên tay và phải trải qua một thời gian mới dần quen được.

Màn hình lật vẫn còn hạn chế, không lật được 180 độ.

Màn hình lật vẫn còn hạn chế, không lật được 180 độ.

Nhìn chung, với giá bán chính hãng còn khá cao, 16,9 triệu đồng cho body, X-T10 vẫn chưa phải là lựa chọn cho phần đông người tiêu dùng. Tuy nhiên, với hiệu năng tốt đem lại trên một thân máy nhỏ gọn và khả năng giả lập màu phim đặc trưng, cùng tính năng kết nối nhanh với smartphone, đây sẽ là một chiếc máy ảnh dự phòng hoàn hảo cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hoặc trở thành một chiếc máy ảnh du lịch cực kỳ hữu dụng, hay thậm chí là một lựa chọn giá rẻ đối với những ai muốn sở hữu X-T1 nhưng điều kiện kinh tế vẫn chưa đủ.

Theo genk.vn


Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn