Ngày mai, 10/10 thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở hơn 30 địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc ghi lại khoảnh khắc những bông pháo hoa khổng lồ tỏa sáng trên không trung tưởng chừng như rất dễ dàng, tuy nhiên để chụp được pháo hoa sao cho đẹp, giống với những gì ta vẫn hay cảm nhận thì cần cả một quá trình chuẩn bị khá công phu cùng một lượng đồ nghề phải đủ dùng.
I. Thiết bị
Chụp ảnh pháo hoa không khó, hiện nay ngay cả smartphone cũng có thể chụp được. Tuy nhiên để dễ dàng có được những bức ảnh ưng ý và đạt chất lượng cao nhất thì việc sử dụng máy ảnh (pns, mirrorless, dslr) là điều cần thiết.
Một máy ảnh cơ và 1 ống kính tele là lựa chọn tốt nhất
Không chỉ cần máy chụp hình, mà một phụ kiện cũng quan trọng không kém đó là chân giữ máy (tripod, mono pod). Một số phụ kiện khác cũng có thể cần đến là dây bấm mềm hay điều khiển từ xa.
Tripod là một vật dụng không thể thiếu trong chụp ảnh pháo hoa
Remote để thao tác chụp từ xa
Nếu có điều kiện, hãy sử dụng DSLR hay các máy ảnh ống kính rời khác để tạo cho mình sự đa dạng và chủ động trong góc chụp. Việc sử dụng máy film hay máy số không có khác biệt nhiều. Máy ảnh của bạn cũng không nhất thiết phải có khả năng khử nhiễu quá tốt, vì khi chụp, chúng ta sẽ đo sáng theo pháo hoa và phơi sáng thời gian dài.
Về ống kính, nên có 1 ống kính phục vụ cho việc chụp bao quát cảnh rộng, 1 ống tele để có thể chụp những bông pháo nhỏ, không nhất thiết phải là ống AF vì khi chụp pháo hoa thì vòng lấy nét của bạn sẽ luôn chỉ ở điểm vô cực rồi.
Với các máy PnS hay smarphone thì sẽ có nhiều hạn chế hơn, nhưng bù lại việc thao tác trên chúng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu smartphone có hỗ trợ chỉnh tay thì bạn nên tận dụng, và chụp phơi sáng, tất nhiên hãy gắn nó lên các chân máy để hạn chế rung. Với máy PnS thì gần như tất cả đều cho phép phơi sáng và zoom quang nên bạn chỉ cần chuẩn bị thêm 1 tripod nhỏ đi kèm.
II. Chuẩn bị cho quá trình chụp
Pháo hoa là loại hình trình diễn cần không gian lớn, không có nghĩa bạn phải sử dụng ống kính góc rộng để lấy toàn cảnh. Như thế ảnh sẽ quá loãng, không tập trung và kém thu hút.
Nếu địa điểm chụp bị hạn chế về tầm nhìn, hãy di chuyển. Chọn cho mình một vị trí quan sát có tầm nhìn quang đãng, không vướng lá cây hay các toà nhà là bạn đã thành công 1 nửa rồi.
Tiếp đó, hãy tạo cho mình tư thế tác nghiệp sao cho thoải mái nhất, có thoải mái về mặt tinh thần thì bạn mới tạo ra được những tấm hình đúng như ý.
Lời khuyên cho bạn là hãy đi đến các địa điểm cao hơn, vì bạn không chỉ ngắm, mà còn chụp nữa. Sân thượng của các toà nhà xung quanh khu vực trình diễn sẽ là các địa điểm không thể tuyệt vời hơn.
Nóc của các tòa nhà với tầm nhìn rộng luôn là nơi lý tưởng để chụp pháo hoa
III. Kỹ thuật và thao tác
Khẩu độ, tốc độ và thời điểm.
Hãy khép khẩu lại, đừng tham tốc độ mà để khẩu lớn. Pháo hoa là các chủ thể ở rất xa, vì thế nếu muốn ảnh nét, đủ chi tiết và tương phản tốt, hãy khép khẩu lại. Tốt nhất là từ f4.0 đổ lên.
Hãy để máy ở chế độ "Bulb", tuỳ theo thời gian phát sáng của pháo hoa dài hay ngắn mà bạn sẽ để màn trập mở lâu hay chậm. Hãy cân nhắc đến khẩu độ nữa, nếu bạn phơi sáng lâu, hãy khép khẩu lại thật nhỏ để tránh thừa sáng. Đây là lúc chúng ta cần đến dây bấm mềm, hãy bấm khi pháo hoa bắt đầu bắn và thả tay ra khi pháo hoa vừa tắt sáng.
Để máy ở chế độ Bulb và sử dụng dây bấm mềm hay remote để bấm chụp
Nếu đây là lần đầu tiên bạn chụp có thể sẽ bị hỏng mất một vài tấm đầu do cháy sáng hoặc quá tối, đừng lo, ngay chỉ sau vài tấm lỗi đó bạn sẽ bắt đầu có được những tác phẩm đầu tiên của mình.
Nếu không có remote, vẫn có 2 cách để bạn khắc phục:
Cách 1: Để hệ thống chụp tự động (timer) thật ngắn. Sau đó phải tự đoán khi nào họ bắn lên thì bấm trước đó vài giây. Cách này hơi khó nhưng còn dễ có ảnh đẹp hơn là rung máy.
Cách 2: Cách này hơi giống chụp pin hole, nếu máy tôi có chế độ bulb để máy mở thật lâu, sau đó làm các bước sau:
a. Lấy 1 cái nón hay khăn màu đen đậy ốnh kính
b. Sau đó nhẹ nhảng bấm máy
c. Sau đó khi thấy pháo bắn lên thì lấy đồ che ống kính ra để bắt đầu thu nạp ánh sáng
d. Khi pháo bung ra hết... nhẹ nhàng che ống kính lại cho tối om
e. Cuối cùng bấm máy để đóng sensor.
Trong lúc chọn góc và bố cục, bạn cũng nên chú ý đến các nguồn sáng khác, hạn chế để chúng lọt vào khung hình vì như thế sẽ dễ xảy ra hiện tượng cháy sáng. Thậm chí nếu để ánh sáng đèn laser chiếu trực tiếp vào ống kính có thể gây cháy cảm biến.
Đó là các thao tác cơ bản, còn việc bố cục và sáng tạo thế nào là tuỳ khả năng mỗi người. Trong thời gian phơi sáng, bạn có thể xoay vòng zoom trên ống kính để tạo ra các hiệu ứng đặc biệt cho bức ảnh của mình.
Bạn có thể xoay vòng lấy nét hoặc vòng zoom để tạo cho mình những hiệu ứng đặc biệt
Cuối cùng xin chúc bạn có một buổi chụp pháo hoa thuận lợi và tạo ra được nhiều bức ảnh chụp pháo hoa tuyệt đẹp.
Theo Genk