Trên thực tế, ống kính không thể giữ cho tất cả mọi thứ - từ những gì ngay trước mặt bạn cho đến những thứ ở phía chân trời - đều cùng lúc được sắc nét ở mức chấp nhận được. Bạn có thể lấy nét vào một đối tượng ở gần và phải chấp nhận rủi ro của việc hậu cảnh sẽ bị mờ. Hoặc bạn có thể lấy nét vào một vật nào đó ở rất xa và có nguy cơ làm mờ các yếu tố ở tiền cảnh.
Vậy thì bạn nên lấy nét ở đâu và làm thế nào để bạn có thể lấy nét vật thể gần bạn mà vẫn giữ được hậu cảnh sắc nét?
Đó là một câu hỏi mà nhiều người, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia phong cảnh, phải đối mặt khá thường xuyên. Một khái niệm gọi là "khoảng cách hyperfocal" (khoảng siêu nét) cho bạn biết điều đó. Tuy nhiên, nó không đến nỗi phức tạp như tên gọi. Khoảng cách siêu nét chỉ ra điểm gần nhất mà bạn có thể lấy nét mà vẫn giữ được cạnh xa nhất của hậu cảnh có độ sắc nét chấp nhận được.
Trong bài viết này bạn sẽ tìm hiểu làm thế nào để tính toán và sử dụng điểm siêu nét đó.
Những yếu tố nào giúp xác định khoảng siêu nét?
Khoảng siêu nét Hyperfocal phụ thuộc vào ba yếu tố. Đây cũng là ba yếu tố giúp xác định độ sâu trường ảnh, do đó với nhiều người hẳn không xa lạ.
- Khẩu độ: Yếu tố đầu tiên là thiết lập khẩu độ của bạn. Độ sâu trường ảnh rộng hơn có nghĩa là bạn có thể lấy nét gần hơn mà vẫn giữ được nền hậu cảnh sắc nét. Vì vậy, khi bạn sử dụng khẩu độ nhỏ hơn thì nghĩa là khoảng siêu nét gần hơn.
- Độ dài tiêu cự: Yếu tố thứ hai là chiều dài tiêu cự. Chiều dài tiêu cự nhỏ hơn có nghĩa là góc nhìn rộng hơn, đồng nghĩa với khoảng siêu nét gần hơn.
- Kích thước cảm biến: Yếu tố cuối cùng xác định khoảng cách hyperfocal là kích thước của bộ cảm biến kỹ thuật số của máy ảnh. Một cảm biến có kích thước lớn hơn sẽ cho phép khoảng siêu nét gần hơn.
Minh họa cho khoảng siêu nét
Các ống kính cũ giúp giải thích dễ dàng hơn về khoảng cách hyperfocal, vì vậy chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào một trong số các ống kính cũ.
Các ống kính của thời dùng máy ảnh chụp phim trước đây thường có các vạch đo sẵn cho phép bạn căn chỉnh khoảng siêu nét ở một thiết lập khẩu độ nhất định. Ví dụ, ta quan sát một ống kính 50mm như hình dưới:
Do đây là ống kính một tiêu cự dành cho máy ảnh phim 35mm, chỉ có một trong ba yếu tố có thể thay đổi là khẩu độ.
Nếu bạn muốn có được khoảng siêu nét trên một ống kính như ảnh trên, bạn có thể dễ dàng thực hiện mà không cần phải tính toán nhiều. Bạn chỉ cần thực hiện 3 bước: thiết lập khẩu độ ở mức mong muốn, tiếp đó đặt tiêu cự lấy nét ở vô cùng sao cho tương ứng với khẩu độ, khi đó ống kính sẽ tự căn về khoảng siêu nét được chỉ rõ bởi vạch vàng ở giữa. Trong ví dụ trên, nếu bạn sử dụng khẩu độ f/16, đưa biểu tượng vô cực lên phía trên số 16 thì khoảng cách hyperfocal mà máy ảnh thiết lập cho bạn là 5 mét.
Ví dụ trên là hoàn toàn phụ thuộc vào thiết lập khẩu độ. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, ta có thể thay đổi độ dài tiêu cự để căn chỉnh khoảng siêu nét. Các ống kính góc rộng sẽ có khoảng siêu nét ngắn hơn nhiều so với các ống tầm trung và ống tele. Để minh họa, chúng ta xem xét ví dụ khác, lần này là với một ống kính A28 mm:
Trong cả hai trường hợp, khẩu độ của ống kính là f/16, do đó điểm lấy nét được thiết lập với biểu tượng vô cực nằm ngay trên số 16. Ta thấy, trong khi khoảng siêu nét của ống kính 50mm là 5 mét, thì với ống kính 28 mm, khoảng siêu nét chỉ là 1,5 mét!
Ống tele sẽ có khoảng siêu nét xa hơn, do đó ống kính tele không phải là một lựa chọn tốt nếu bạn đang cố gắng giữ mọi thứ trong khung hình của bạn sắc nét.
Làm thế nào để xác định khoảng siêu nét?
Ngày nay, các ống kính kỹ thuật số không cho phép điều chỉnh khẩu độ ngay trên ống kính mà việc này được xử lý bằng các căn chỉnh bên trong máy ảnh. Tuy nhiên, tin tốt là có những cách tốt hơn để xác định khoảng siêu nét. Có một vài cách hỗ trợ để bạn không phải tự tính toán khoảng cách này.
1. Tài nguyên trực tuyến
Có khá nhiều máy tính (calculator) và ứng dụng miễn phí phục vụ việc này và bạn có thể cài đặt ngay trên điện thoại. Ví dụ, hãng DOFMaster cung cấp một biểu đồ và một máy tính trên website và họ cũng có mộtứng dụng trên iOS. Bạn có thể tìm nhiều ứng dụng khác tương tự. Bạn sử dụng chúng để xác định trước khoảng siêu nét trên máy tính hoặc dùng ứng dụng điện thoại khi ra ngoài chụp ảnh.
2. Bảng tra cứu khoảng siêu nét
Tuy nhiên, có thể bạn không có smartphone hoặc thậm chí không có máy tính, thì bạn vẫn có thể in bảng tra cứu trong các link dưới đây và bỏ vào túi mang theo bên mình.
Bảng tra cứu khoảng siêu nét dành cho máy ảnh Micro Four Thirds
Bảng tra cứu khoảng siêu nét dành cho máy ảnh APS-C
Bảng tra cứu khoảng siêu nét dành cho máy ảnh Full frame
Bạn có thể sử dụng luôn 3 bảng trên, được lập ra dựa trên kích thước cảm biến phổ biến của các máy ảnh hiện nay, bạn chỉ cần chọn bảng phù hợp với máy ảnh của bạn.
Để sử dụng các bảng này, bạn chỉ cần thiết đặt chiều dài tiêu cự tương ứng với khẩu độ bạn định dùng, các con số tương ứng sẽ là khoảng siêu nét. Trong mỗi link, biểu đồ phía trên thể hiện khoảng cách bằng đơn vị mét, phía dưới là đơn vị feet.
Lấy nét bằng khoảng siêu nét
Như vậy, bạn đã biết làm thế nào để xác định khoảng siêu nét. Bạn có thể làm gì để tận dụng nó khi lấy nét?
Để lấy nét ở khoảng siêu nét, có một vài cách.
Để thiết lập lấy nét bằng tay, trước tiên hãy chắc chắn rằng bạn đã chuyển ống kính của bạn sang chế độ lấy nét bằng tay. Sau đó chỉ cần xoay vòng chỉnh tiêu cự cho đến khi nó đạt đến khoảng cách thích hợp theo thang chia sẵn có trên ống kính của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang chụp với tiêu cự 35mm f /11 trên một máy ảnh APS-C, khoảng siêu nét của bạn sẽ là 5,6 mét, khi đó các thông số trên ống kính của bạn sẽ thể hiện như ở hình dưới:
Nếu ống kính của bạn không có các thang chia sẵn như trên, bạn sẽ phải ước lượng bằng cách sử dụng kính ngắm. Trong trường hợp đó, bạn sẽ chỉ lấy nét vào một vật cách bạn khoảng 5,6 mét.
Bạn có thể làm điều tương tự ở chế độ lấy nét tự động, chỉ cần lấy nét vào một đối tượng nằm ở khoảng cách 5,6 mét.
Tuy nhiên, đôi khi tiền cảnh quan trọng hơn hậu cảnh, vì vậy bạn không nên lo lắng về khoảng cách hyperfocal. Khi bạn sử dụng một góc cực rộng và một khẩu độ nhỏ (như ảnh trên, chụp tại 14 mm và f/18), khoảng siêu nét của bạn có thể chỉ là một bước chân.
Khác biệt khi sử dụng/không sử dụng khoảng siêu nét
Khoảng siêu nét rất hữu ích khi bạn không muốn lựa chọn một phần nào trong bức ảnh rõ nét hơn các phần còn lại, khi đó, bạn nên sử dụng khoảng siêu nét vì nó là một công cụ rất tốt.
Tuy nhiên nếu có một đối tượng nổi bật trong bức ảnh của bạn, hãy quên đi khoảng siêu nét, chỉ lấy nét vào đối tượng đó thôi.
Trường hợp bạn muốn tất cả các phần của bức ảnh đều sắc nét, bạn cũng có thể quên đi khoảng siêu nét. Bạn nên cố gắng sắp xếp các chi tiết cần lấy nét trong trường hợp đó. Nên nhớ, ý nghĩa của khoảng siêu nét là giữ cho hậu cảnh có được độ sắc nét chấp nhận được.
Nếu bạn đặt điểm lấy nét chính xác ở khoảng siêu nét, bạn đang đặt những phần xa nhất của bức ảnh vào trạng thái sắc nét "chấp nhận được". Khi đó, các cạnh phía xa của ảnh có thể có độ nét không đủ tốt. Vì vậy, có thể bạn cần lấy nét xa hơn khoảng lấy nét một chút trong một số trường hợp.
Cuối cùng, khi bạn lấy nét ở khoảng siêu nét, bạn hy sinh độ sắc nét ở tiền cảnh cho độ sắc nét của hậu cảnh. Ý nghĩa của khoảng siêu nét là để xác định các điểm mà tại đó bạn có thể giữ hậu cảnh trong vùng nét và không để ý nhiều đến tiền cảnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cần tiền cảnh cũng phải sắc nét, thậm chí phải sắc nét hơn hậu cảnh. Do đó, khoảng siêu nét không phải là công cụ để sử dụng trong mọi trường hợp.
Kết luận
Khoảng siêu nét có thể là một công cụ tuyệt vời để đảm bảo rằng bạn chắc chắn có những phần ảnh sắc nét như mong muốn. Công cụ này hữu ích nhất cho chụp ảnh phong cảnh, khi mà bạn thường quan tâm đến việc giữ cho hậu cảnh phía xa sắc nét. Lúc này, nên giữ trong túi một bảng tra cứu khoảng siêu nét để giúp xác định điểm lấy nét.
Sau một thời gian ứng dụng kỹ thuật này, có thể bạn sẽ có cảm giác tốt về các mức thiết lập phù hợp cũng như điểm mà bạn muốn lấy nét. Tuy nhiên, bạn chỉ nên xem đây là một cách tham khảo để chụp ảnh tốt hơn, không nên lạm dụng khoảng siêu nét, vì không phải trong mọi trường hợp nó sẽ cho ảnh chụp đẹp hơn.
Theo Vnreview.vn