Lựa chọn filter cho ảnh phong cảnh


Bộ kính lọc là một phụ kiện thiết yếu dành cho nhiếp ảnh phong cảnh ngay cả khi kĩ thuật số đang phát triển rất mạnh


Lựa chọn filter cho ảnh phong cảnh

Đã bao lần bạn từng nghe: “Không cần bộ lọc với một máy ảnh số, tất cả những gì mà nó làm được, Photoshop có thể làm tốt hơn”. Điều này đáng để cân nhắc nhưng nếu là thật thì tại sao những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn còn sử dụng chúng? Và nếu bộ lọc không được sử dụng nhiều thì làm sao một hãng thiết bị như Lee Filter vẫn miệt mài nghiên cứu, mở rộng sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.
Câu trả lời đơn giản rằng, nhiếp ảnh gia phong cảnh luôn cần bộ lọc ống kính. Đó là sự thật, mặc dù  Photoshop hay các phần mềm chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp có thể thao tác giống như một số bộ lọc, nhưng tới thời điểm hiện tại nó chưa thể tạo ra những hiệu ứng mà bộ lọc mang lại. Mặc dù vậy, không thể phủ định những gì tiện lợi của phần mềm xử lí ảnh: tái tạo màu phim nhựa, thêm màu sắc vào bức ảnh hay hay những hiệu ứng kiểu làm mờ…
Bộ kính lọc (filter) là một hoặc nhiều thấu kính, thường được lắp đặt phía trước ống kính nhằm bảo vệ ống kính hoặc tăng chất lượng ảnh. Có thể điểm tên một vài bộ lọc quan trọng như kính lọc cường độ trung bình (Neutral Density –ND), lọc ánh sáng theo khu vực (Graduated Neutral Density-GND), lọc phân cực(Polarising) và thấp hơn là các loại bộ lọc UV/Skylight.
Những bộ lọc này giúp bạn có thể kiểm soát được độ phơi sáng, độ tương phản, nhằm tạo hiệu ứng mới cho bức ảnh. 
 

Lựa chọn filter cho ảnh phong cảnh

Bộ kính lọc tròn hay vuông

Có hai loại kính lọc phổ biến là loại có ngàm gắn trực tiếp vào phía trước của ống kính (tiêu biểu: Hoya, B+W và Heliopan) và loại hình vuông/hình chữ nhật (tiêu biểu: Lee, Cokin và Hitechl) có khe để gài vào ống kính.
Bộ kính lọc sử dụng ngàm thường phổ biến là UV và skylight có tác dụng chủ yếu là bảo vệ ống kính máy ảnh. Tuy nhiên có một số hạn chế về loại bộ lọc sử dụng ngàm này như thiếu sự linh hoạt khi sử dụng, cũng như chất lượng hình ảnh sẽ giảm khá nhiều khi thấu kính trên bộ lọc không tốt.
Các bộ lọc UV/Skylight giúp ngăn chặn các tia cực tím tiếp xúc với cảm biến của máy ảnh, tăng hiệu quả khi bạn chụp ảnh phong cảnh.
Hệ thống kính lọc sử dụng khe gài linh hoạt hơn, chỉ cần gắn vào ống kính thông qua một vòng adapter. Kính lọc phù hợp với ống kính kích thước khác nhau, kiểm soát được khu vực hiệu ứng hoặc có thể sử dụng 3 bộ lọc một lúc.

Lựa chọn filter cho ảnh phong cảnh

Graduated Neutral Density: Kính lọc ánh sáng theo khu vực
Đã bao nhiêu lần bạn bấm máy trước phong cảnh tuyệt vời, khi kiểm tra lại thì cảnh quan xung quanh có vẻ ổn nhưng bầu trời lại trắng xóa. Nhiều người nghĩ với phần mềm xử lí có thể cứu được bức ảnh đó, nhưng thực tế thì bầu trời bị “cháy sáng”, các chi tiết bị mất và không có khả năng khôi phục. Giải pháp hợp lý trong trường hợp này là sử dụng một bộ lọc ánh sáng theo khu vực.
Graduated Neutral Density (Grad ND) là hệ thống lọc có thể biến đổi ánh sáng theo từng khu vực trước khi tiếp xúc với thấu kính. Thông thường, một nửa bộ lọc có chức năng truyền ánh sáng trung tính, phần còn lại có khả năng chuyển đổi đột ngột hoặc từ từ mật độ ánh sáng. 
Khi chụp ảnh phong cảnh, bộ lọc này giúp giảm bớt ánh sáng ở những vùng thừa sáng trong khi vẫn giữ được ánh sáng trung tính ở các khu vực còn lại.
Bộ lọc GND về cơ bản có thể chia ra thành 2 loại chính gồm: cạnh cứng và cạnh mềm (soft edge và hard edge). Lựa chọn loại nào phụ thuộc vào việc thay đổi ánh sáng trong cảnh, sự phân chia giữa vùng tối và vùng sáng của bầu trời.
Loại cạnh cứng được sử dụng khi muốn thay đổi mật độ ánh sáng nhanh, ngay lập tức.
Loại cạnh mềm thì cho mật độ ánh sáng giảm từ từ, loại bộ lọc này chỉ sử dụng khi các phần sáng và tối không được tách biệt rõ ràng. 
Một loại bộ lọc GND đặc biệt khác đó là bộ lọc trung tâm. Loại kính này cho kết quả tối dần từ ngoài vào trong bức ảnh theo mức độ.
Không chỉ lọc ánh sáng trắng, các hãng sản xuất bộ lọc còn đưa ra nhiều loại GND khác làm gia tăng độ bão hoà màu. Giúp bạn có nhiều bức ảnh phong cảnh có độ chuyển màu sắc đặc biệt.
Thông số quan trọng thứ hai đó là mật độ sáng khác nhau giữa hai đầu của bộ lọc. GND thường có 3 mật độ chính từ 0.3, 0.6, 0.9 có khả năng giảm độ sáng của bầu trời tương ứng là 1, 2 và 3 stop.
Một số loại đặc biệt khác như 1.2 GND có thể giảm tới 4 stop hay như bộ lọc Lee Filters có chỉ số 0.45 hay 0.75 sẽ làm bầu trời tối đi khoảng 1 ½ stop- 2 ½ stop.

Lựa chọn filter cho ảnh phong cảnh


Chỉ số trên GND thấp nhất là 0.3, chỉ hữu ích khi bạn cần một hiệu ứng tinh tế với độ sáng chênh lệnh không quá lớn, trong khi với GND lên đến 0.9 được sử dụng chủ yếu vào lúc bình minh và hoàng hôn khi bầu trời thực sáng và khung cảnh xung quanh khá tối. Còn chỉ số 0,6 trên GND là lựa chọn chung cho nhiều điều kiện ánh sáng khác.
Nếu thấy không chắc chắn, bạn có thể kiểm tra với một bức hình sử dụng GND chỉ số 0.6 sau đó chuyển sang 0.3 hoặc 0.9, bạn có thể sử dụng 2 bộ để cho khả năng xử lý mạnh hơn.
Khi ánh sáng đập vào bề mặt thấu kính, một số tia sáng bị phân tán theo mọi hướng và trở thành ánh xạ, gây lóa - làm giảm độ bão hòa màu trên bề mặt bóng.

Bộ lọc phân cực (polarizers filter)
Bộ lọc Polarizers ngăn chặn điều này bằng cách chỉ cho phép tia sáng đi theo một hướng để vào ống kính của bạn, vì vậy hạn chế các ánh sáng phản chiếu nhiều hướng.
Khi làm như vậy, một bộ lọc phân cực có ba lợi thế riêng biệt. Trước tiên, bầu trời màu xanh trở nên sâu hơn vì nó có chứa rất nhiều ánh sáng phân cực. Thứ hai, ánh sáng chói trên bề mặt kim loại được giảm thiểu, do các màu sắc trong ảnh xuất hiện phong phú và chính xác hơn. Thứ ba, lọc bỏ đi sự nhiễu động do sự phản chiếu từ vật thể khác, vì vậy bạn có thể chụp qua cửa sổ hay xuyên qua nước.
Ví dụ như chủ thể đang ở mặt nước (hoặc trước mặt kính ) bộ lọc phân cực sẽ loại bỏ phản chiếu bên ngoài tạo cho ánh sáng truyền từ chủ thể vào ống kính khá chính xác về màu sắc và độ nét.

Bộ lọc Graduated Neutral Density

Bộ lọc Graduated Neutral Density

Có hai loại bộ lọc phân cực phổ biến: Linear và Circular Polarizers. Cả 2 làm chung một công việc nhưng với máy ảnh số thì bạn chỉ cần Circular Polarizing, được thiết kế để đo sáng chuẩn xác khi sử dụng lấy nét tự động.
Khi gắn vào ống kính, bạn có thể tùy chỉnh vòng quay quanh kính lọc để hiệu chỉnh độ phân cực. Để khi màu xanh bầu trời sẫm lại và những đám mây trắng nổi bật, ánh sáng phản xạ và lóa biến mất. Khi hài lòng với những gì bạn thấy, chỉ đơn giản là ngừng quay và chụp. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt nhất có thể, cần một số yếu tố khác để xem xét.
Bộ lọc phân cực thường làm việc tốt nhất trong thời tiết nhiều sáng, nắng, bạn cũng có thể sử dụng trong thời tiết bất thường, u ám để loại bỏ ánh sáng chói và phản xạ. Cảnh rừng thường nhìn trầm hơn nếu bạn chụp thông qua bộ lọc phân cực, như vậy ánh sáng lóa được giảm tối đa, màu sắc phong phú và chi tiết lá được rõ hơn.
Sử dụng một bộ lọc phân cực giúp màu xanh da trời có chiều sâu hơn, giữ cho mặt trời ở góc bên phải với máy để bạn hướng tới đường chân trời nơi có phân cực cao nhất, bằng cách đó, bạn sẽ nhận được hiệu ứng cao. Nếu mặt trời ở phía sau bạn, hoặc bạn đang chụp vào mặt trời, bộ lọc phân cực sẽ không cho nhiều sự khác biệt. Độ sáng trên bầu trời cũng có xu hướng tốt hơn khi mặt trời thấp xuống, buổi sáng sớm và buổi chiều tối cho kết quả tốt hơn so với giữa ngày.
Khi ánh sáng phân cực không đồng đều trên bầu trời, nên cẩn thận khi sử dụng ống kính góc rộng hoặc với tiêu cự rộng hơn 24mm (16mm trên máy crop-sensor), nó có thể làm cho bầu trời không đồng đều và nhìn không thực do xuất hiện vùng tối. 
Để loại bỏ sự phản xạ từ bề mặt như nước và thuỷ tinh, góc giữa các bề mặt phản xạ và trục ống kính phải khoảng 30 độ. 
Bộ lọc phân cực sẽ giảm ánh sáng đi vào ống kính của bạn khoảng 2 stop, lượng ánh sáng này được máy ảnh DSLR tự động tính toán nhưng bạn cần phải biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ màn trập. Tốc độ có thể trở nên rất chậm, ngay cả trong điều kiện ánh sáng mặt trời – để tránh nguy cơ rung, thì cần sử dụng chân máy.
Giảm tải ánh sáng này có thể là lợi thế trong trường hợp bạn muốn sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn là việc bộ lọc phân cực hoạt động như một bộ lọc ND 0,6. Khi chụp thác nước, sông hay bãi biển, bộ lọc phân cực không chỉ cho bạn một tốc độ màn trập chậm để “đóng băng” dòng nước, còn đồng thời loại bỏ phản xạ từ mặt nước và ánh sáng chói từ đá hay vật thể ẩm ướt, cành lá xung quanh.

Bộ lọc cường độ trung bình ND (neutral density filters)
Bộ lọc ND làm giảm lượng ánh sáng đi vào ống kính của bạn mà không thay đổi cân bằng màu sắc - vì vậy còn được gọi là cường độ trung bình. Bộ lọc này có khả năng tương tự như GND nhưng hiệu ứng lại có tác dụng thống nhất trên toàn bộ hình ảnh.
Bộ lọc ND tác dụng chính là giảm ánh sáng dẫn tới gia tăng thời lượng phơi sáng mà vẫn giữ nguyên độ mở của ống kính vì vậy bạn có thể giảm tốc độ trập, đặc biệt đối với máy chụp film nhanh, nhằm ghi lại chuyển động của vật thể.
Chủ đề kinh điển mà bộ lọc này thường khai thác đó là chụp thác nước, để ghi lại nước chuyển động như một dải lụa mờ, nhưng chúng có thể được sử dụng để ghi lại cây hoặc cỏ chuyển động trong gió, sóng biển xen qua những tảng đá.

Bộ lọc cường độ trung bình ND (neutral density filters)

Bộ lọc cường độ trung bình ND (neutral density filters)

Bộ lọc ND có mật độ tối thiểu là 0.6 (4x), đòi hỏi độ phơi sáng giảm 2 stop. Bộ lọc phân cực với độ phơi sáng khoảng 2 stop có thể được sử dụng như một bộ lọc ND 0.6. Tiếp theo là mật độ 0.9 (8x), cho khả năng giảm 3 stop, theo sau là 1.2 (16x) là 4 stop.
Đây là các bộ lọc mật độ phổ biến của dòng kính lọc ND, bạn có thể kết hợp 2 hoặc nhiều hơn một bộ lọc để có một hiệu ứng lũy tiến. Ví dụ,sử dụng 2 bộ lọc ND 0.6 và 0.9 cùng nhau thì cần độ phơi sáng giảm đến 5 stop.
Ngoài ra một số bộ lọc ND đặc biệt khác như loại có mật độ 1.8 (6 stop) hoặc cao hơn.Các bộ lọc này được thiết kế ban đầu để chụp ảnh trong ngành công nghiệp các quá trình liên quan đến độ sáng lớn.
Trong những năm gần đây, bộ lọc đã trở nên ngày càng phổ biến. Nhiếp ảnh gia sử dụng vào ban ngày để tạo ra hiệu ứng chuyển động siêu thực - nước trông như sữa và mây trông như tranh vẽ. Bộ lọc ND đặc biệt được dùng nhiều để tạo ra những hiệu ứng này được gọi là ND '10-stop '. Bộ lọc này đòi hỏi độ phơi sáng lên đến 10 stop, có nghĩa là hơn 1000x độ phơi sáng khi không kính lọc.
Sử dụng bộ lọc Neutral Density ND10:
Điều đầu tiên bạn sẽ nhận thấy khi sử dụng một bộ lọc ND 10-stop là nó khá dày và không thể nhìn thông qua đó. Để chụp một bức ảnh, bạn phải gắn máy ảnh lên giá đỡ, bởi một kính lọc ND10-stop khi kết hợp với khẩu độ nhỏ và ISO thấp cho phép bạn đạt được thời gian phơi sáng trong một vài phút hoặc lâu hơn mặc dù thời điểm ánh sáng có thể là vào buổi trưa. 

Ảnh sử dụng bộ lọc UV

Ảnh sử dụng bộ lọc UV

UV và bộ lọc Skylight
Bộ lọc UV chủ yếu được sử dụng để bảo vệ phía trước của ống kính do nó rất trong và không làm ảnh hưởng đến hình ảnh màu sắc. Với máy ảnh số, cảm biến máy ảnh gần như không nhạy cảm với tia UV nên bộ lọc UV là không cần thiết. Bộ lọc UV có thể làm giảm chất lượng hình ảnh khả năng bị lóa khá co, độ bão hòa màu và tương phản giảm. Điều này tùy thuộc vào chất lượng thấu kính, những thấu kinh chất lượng cao kiểu Multicoated có thể giảm được những tình huống trên xảy ra.
Ngoài việc cung cấp bảo vệ,  bộ lọc Skylight/UV có thể chặn một số ánh sáng cực tím, thường phổ biến trong những ngày hè và ở nhiệt độ cao, tăng độ nét của bức ảnh của bạn. Ánh sáng tia cực tím cũng có thể gây ra viền màu xanh nhẹ.
Kính lọc Skylight thường là 1 kính lọc UV có màu hồng nhạt, dùng để thêm màu ấm cho ảnh, không quá dư màu xanh và tăng khả năng hấp thụ tia tử ngoại so với kính UV bình thường. Skylight ký hiệu là 1A hoặc 1B (màu ấm hơn 1A).
Không nên dùng kính lọc UV khi bạn muốn chụp bức ảnh với độ phơi sáng dài ban đêm, do nó có thể sẽ tạo ra hiệu ứng không bình thường từ ánh sáng của đèn điện hoặc mặt trăng. 

Theo: Pcworld.com.vn



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn