Chắc hẳn những ai cầm máy ảnh 1 thời gian cũng sẽ ít nhiều tiếp xúc với thể loại ảnh phố (street photography), và đây là "vùng đất" để các bạn thỏa thích ghi chép lại cuộc sống muôn màu, để thể hiện ra cho người khác thấy thế giới quan của mình hay đơn giản hơn là để bắt những khoảnh khắc thú vị mà không phải ai cũng có thể nhìn ra.
Với bản thân tôi, chụp ảnh phố đa phần được chia ra làm 2 dạng: tĩnh và động. Tĩnh là những khoảnh khắc mà đối tượng đứng yên, ngồi hoặc đang làm một việc gì đó nhưng không di chuyển nhiều khỏi khu vực lấy nét. Còn với Động, là dạng khó nắm bắt khi các chủ thể có thể xuất hiện bất ngờ, hoặc hướng di chuyển phức tạp, background phức tạp… khiến bạn cần phải lấy nét thật chuẩn và bấm nút đúng lúc.
Với Tĩnh, việc bắt nét sẽ dễ dàng hơn.
Còn ở những tình huống Động như xe bus chạy ngang qua mặt thế này, nếu không chuẩn bị trước khoảng nét thì sẽ rất dễ hụt mất khoảnh khắc.
Về phần Tĩnh, chắc có lẽ ai cũng biết là ta chỉ cần ấn nút lấy nét (trên máy có sẵn autofocus), hoặc vặn đúng nét (với máy phim hoặc ống kính MF) dễ dàng vì chủ thể vẫn ở yên đấy thôi. Nhưng với Động, tôi không bao giờ tin hoàn toàn vào hệ thống autofocus, bởi nếu hậu cảnh đơn giản thì không có gì phải bàn nhưng hậu cảnh đang có nhiều đối tượng thì chắc chắn máy sẽ không biết lấy nét vào đâu, dẫn đến việc bắt nét chậm chạp có thể bắt hụt khoảnh khắc quý giá.
Vậy giải pháp là gì? Với cá nhân tôi có 2 cách và tôi vẫn sử dụng nó cho đến thời điểm hiện tại mỗi khi đi chụp ảnh street, dù là đang cầm máy kỹ thuật số hiện đại hay máy chụp phim:
Lấy nét theo vùng (Zone Focusing)
Lấy nét theo vùng là phương pháp bạn thiết lập sẵn khoảng nét từ ống kính. Ví dụ như bạn ước lượng sẽ chụp những đối tượng nào đó trên phố trong khoảng 2m, bạn sẽ vặn điểm nét căng của ống kính vào đúng con số 2m trên thang đo. Tất nhiên phải nhớ một điều rằng bạn phải bật sang chế độ lấy nét tay trên chiếc máy kỹ thuật số của mình nhé.
Với 2m được vặn sẵn thế này, bạn chỉ việc đi dạo và thấy đối tượng muốn chụp trong vòng 2m là bấm chụp. Có 2 thứ cần lưu ý khi chụp Zone Focusing, đầu tiên là tiêu cự, khi chụp phố tôi luôn chọn tiêu cự ống kính ở khoảng 24mm - 28mm - 35mm vì nó đủ độ rộng để bao quát nội dung bức ảnh phố cũng như có độ sâu trường ảnh (DOF) nhiều hơn.
Lưu ý thứ 2 là ở khẩu độ, tôi luôn chọn khẩu độ ở mức F5.6 là tối thiểu và có thể khép xuống F11 - F16. Khi đi chụp phố, điều tôi ưu tiên là nội dung và chất liệu xung quanh mà tôi muốn đưa vào khung hình, chứ không phải là xóa phông mù mịt nên đó là lý do tôi chọn khép khẩu. Hơn nữa, việc khép khẩu sẽ giúp DOF được dày hơn và nếu bạn áng chừng đối tượng ở 2m nhưng nếu họ có di chuyển lệch khoảng cách một chút thì vẫn nét ổn.
Tuy nhiên, cách lấy nét theo vùng này vẫn có bất lợi nếu như chủ thể di chuyển ra khỏi vùng nét quá nhiều và bạn không thể cứ mãi lùi/tiến theo họ được vì một số lý do nào đó. Vậy nên phương pháp thứ 2 dưới đây sẽ giải quyết vấn đề này.
Lấy nét vượt tiêu (Hyperfocal Focusing)
Một giải pháp khác có tính tối ưu hơn chính là Hyperfocal Focusing, nhưng nó sẽ có phần phức tạp hơn cho người mới lần đầu làm quen.
Hãy nhìn lại vào thang đo độ sâu trường ảnh (DOF Scale), ta có những con số khoảng cách đo theo mét từ gần nhất cho đến xa nhất là vô cực đúng không? Khác với Zone Focusing bạn chỉ nhìn vào cột đo khoảng cách, ở Hyperfocal, bạn còn phải quan tâm thêm khẩu độ nữa.
Vậy thì nhìn tiếp vào đây nhé, ta có vạch tâm giữa là khoảng nét căng nhất, còn các vạch đối nhau là F4 - F8 - F11 - F16, tương ứng với nó là vạch khoảng cách ngay kề bên. Đây chính là vùng trong nét mà chiếc ống kính của bạn có thể bắt được, vậy nên Hyperfocal Focusing đôi khi còn được gọi là kỹ thuật "căn siêu nét".
Để dễ hình dung, ở đây tôi để khẩu F11 và đẩy mức lấy nét ở khoảng cận nhất là 1m (thanh trỏ F11 bên trái) và xa nhất có thể thấy là vô cực (thanh trỏ F11 bên phải). Nếu như bạn đọc theo Zone Focusing, chắc chắn bạn chỉ biết được rằng điểm nét căng nhất là 2m mà thôi.
Hay như ở một ví dụ khác, với ống kính này tôi đang để F4 và bạn có thể thấy khoảng nét là từ 1,2m cho đến 2m.
Thường tôi rất hiếm khi để khẩu dưới F5.6 vì độ sâu trường ảnh rất ít và nó bất lợi cho thể loại chụp ảnh đường phố, chỉ trừ những lúc thiếu sáng buộc phải bù vào thì tôi mới đành mở khẩu lên mà thôi. Vậy nên, nếu đã đi chụp phố ở điều kiện trời sáng, hãy mạnh dạn khép khẩu xuống F8 hay F11 đi, vùng trong nét của bạn sẽ nhiều hơn (khoảng nét xa nhất có khi được kéo đến vô cực) và vì thế khả năng bắt khoảnh khắc cũng dễ dàng hơn đấy.
Hyperfocal Focusing giúp tôi chủ động hơn trong những tình huống cần bấm máy nhanh.
Với những ai hay chụp máy phim hoặc máy kỹ thuật số lấy nét tay (Leica chẳng hạn) thì những lúc trời mưa thế này nên tận dụng Hyperfocal Focusing. Ảnh trên đây được chụp bằng phương pháp này, khi một tay tôi cầm dù và tay còn lại cầm Leica M240, chằng việc gì phải lo đến chuyện "mọc" ra thêm cánh tay khác để vặn nét nữa.
Tùy thuộc vào sở trường và muốn ước lượng bắt chủ thể ở khoảng cách nào, bạn có thể tùy chỉnh khoảng DOF sao cho hợp lý.
Ngoài ra, phương pháp Hyperfocal Focusing này ngày xưa cũng thường được các tiền bối chụp phong cảnh áp dụng để có thể lấy được tiền cảnh vào vùng nét càng nhiều càng tốt, tạo cho bức ảnh có độ nét tối ưu nhất.
Nhìn chung, ưu điểm của việc áp dụng 2 phương pháp trên là tôi không cần phải loay hoay lấy nét tay khi chụp máy phim, cũng chẳng sợ cảnh motor của ống kính cứ thò thụt bắt nét mãi mà không xong ở máy kỹ thuật số. Nhờ Zone Focusing/Hyperfocal Focusing, mắt và tâm trí của tôi sẽ tập trung vào việc quan sát mọi thứ xung quanh hơn, từ đó ảnh cũng có thể sẽ tốt hơn (hoặc nếu không tốt thì ít nhất bạn cũng thoải mái đầu óc để ngắm nhìn khoảnh khắc ấy vừa diễn ra trước mắt thay vì cáu gắt do autofocus dở chứng).
Cuối cùng, nếu bạn là người đang chụp phim và cũng đang gia nhập bộ môn chụp phố, hãy thử thủ pháp Hyperfocal Focusing, nó ít nhiều sẽ giúp bạn bắt các pha khoảnh khắc Động tốt hơn đấy.
theo genk