Đã có nhiều thắc mắc về cách đặt tên của Canon với 77D. Bởi nếu đây là phiên bản nằm giữa 70D và 80D, tại sao hãng máy ảnh Nhật Bản không đơn giản hóa bằng con số 75D để tiện phân biệt hơn? Và lời giải thích thỏa đáng nhất có lẽ là vì 77D chính là phiên bản kế nhiệm của chiếc 760D trước đó. Tuy nhiên, Canon quyết định không sử dụng cái tên 770D bởi 77D hoàn toàn xứng đáng đứng ngang hàng với những người anh em 2 số của nó nhờ những tính năng nâng cao được trang bị.
Thiết kế quen thuộc, dễ nắm bắt
Khi ra mắt 760D, Canon từng mệnh danh đó là mẫu DSLR entry-level cao cấp nhất của hãng, hướng đến đối tượng người dùng nghiệp dư đã có những am hiểu nhất định về máy ảnh và bắt đầu muốn nâng cao hơn kỹ năng chụp ảnh của mình. Đây cũng là chiếc DSLR phổ thông đầu tiên được trang bị màn hình phụ phía trên và có thêm bánh xe điều chỉnh nhanh ở khu vực điều khiển chính, những chi tiết trước đó chỉ có trên các dòng bán chuyên 2 số trở lên.
Trong khi đó, 77D kế thừa và phát huy những thế mạnh đó của 760D. Phần màn hình phụ và bánh xe điều khiển tiện lợi tiếp tục xuất hiện. Viewfinder tích hợp cảm biến tiệm cận giúp tự động tắt màn hình khi ngắm chụp để tiết kiệm pin và hạn chế xao nhãng.
Màn hình cảm ứng xoay lật đa chiều tiện lợi cho các góc chụp khó từ dưới thấp hay trên cao. Những điểm mới so với 760D là việc trang bị thêm một nút WiFi chuyên dụng để nhanh chóng kết nối 77D với smartphone giúp duyệt ảnh, điều khiển từ xa, upload ảnh lên mạng xã hội dễ dàng. Một nút AF-ON cũng được bổ sung để kích hoạt chế độ lấy nét liên tục khi nhấn giữ, thích hợp khi chụp chủ thể chuyển động như trẻ em, thú cưng hay thể thao.
Cảm giác cầm nắm sử dụng 77D chuyên nghiệp hơn hẳn khi so sánh trục tiếp với người anh em 800D. Máy chắc chắn, cứng cáp, đầm tay tương tự những dòng máy bán chuyên trước đó của hãng máy ảnh Nhật Bản như 80D hay 70D. Bản thân các nút bấm, vòng xoay, bảng điều khiển trên 77D cũng được thiết kế hướng tới đối tượng người dùng nâng cao, với độ nảy tốt, dễ thao tác. Body của 77D được tinh giản gọn nhẹ hơn đôi chút với 760D khiến mẫu máy ảnh này rất phù hợp cho những chuyến du lịch dài ngày, dân phượt hay nhiếp ảnh đường phố.
Tất nhiên, vẫn có những chi tiết giúp phân định giữa 77D với những dòng 2 số trước đó của Canon. Điển hình như khu vực bánh xe điều khiển chính phía sau của máy vẫn phảng phất phong cách của những dòng máy entry level hay compact. Từng nút bấm riêng biệt cho cân bằng trắng, chế độ lấy nét hay kích hoạt hẹn giờ chụp vẫn được trang bị thay vì các nút điều khiển đa hướng. Cảm giác xoay bánh xe điều khiển chính chưa thật đã tay do tiết diện nhỏ. Chế độ quay phim được tích hợp thẳng vào cần gạt bật tắt nguồn dễ gây thao tác nhầm khi bật máy. 77D sử dụng pin LP-E17 với dung lượng 1040 mAh tương tự trên 800D hay M3. Như vậy, người dùng sẽ không thể dùng chung pin của 80D, 70D hay thậm chí là 760D trên mẫu DSLR này.
Tính năng nổi bật
Bên cạnh ngoại hình, "nội thất" của 77D được nâng cấp đáng kể. Cảm biến vẫn là 24MP - APS-C CMOS giống 80D hay 760D nhưng đã có tinh chỉnh về cấu trúc của cảm biến và thay đổi vị trí của các pixel lấy nét theo pha. Nhờ đó hệ thống lấy nét Dual Pixel CMOS trên 77D với 45 điểm Cross-Type có thể lấy nét với tốc độ chỉ 0,03 giây, nhanh hơn so với chiếc 80D. Canon tự tin tuyên bố đây là chiếc máy ảnh có tốc lấy nét nhanh nhất hiện nay. Cảm biến mới đem lại cho 77D dải ISO rộng hơn, trải dài từ 100 đến 25600, mở rộng lên đến 51200 (80D mở rộng tối đa ISO 25600). 77D cũng sử dụng chip DIGIC 7, giúp máy xử lý nhanh hơn, khử nhiễu tốt hơn.
Khả năng quay video của 77D thừa hưởng toàn bộ những tính năng quay video tối ưu của 80D như hỗ trợ video Full HD 60fps, chống hiện tượng nháy hình Flicker, quay video HDR, time lapse...Máy cũng được Canon bổ sung công nghệ chống rung kĩ thuật số 5 chiều khi quay phim. Tiếc là 77D vẫn chưa cho phép quay video 4K.
Bên cạnh WiFi, 77D còn tích hợp cả Bluetooth và NFC giúp kết nối với smartphone nhanh chóng dễ dàng hơn. NFC giúp chỉ cần một chạm là người dùng đã có thể sử dụng ngay smartphone để xem ảnh, điều khiển 77D nhanh chóng so với những thao tác có phần phức tạp khi kết nối bằng WiFi. Trong khi đó Bluetooth lại cho phép điện thoại có thể duy trì kết nối liên tục với 77D mà không tốn nhiều pin, đánh thức máy từ chế độ ngủ và trên hết là có thể sử dụng Internet tiện lợi khi vẫn đang kết nối với máy ảnh. Điều mà kết nối WiFi trước đây chưa thể làm được.
Chất lượng chụp ảnh, quay phim
Máy ảnh càng nhỏ nhẹ sẽ càng có tính di động cao và 77D là một chiếc máy ảnh như vậy. Ngay khi cầm 77D trên tay, người dùng có thể cảm nhận mức độ gọn nhẹ của máy. Trên thực tế, 77D cho ấn tượng gọn nhẹ gần như máy ảnh mirrorless vậy. Tính năng Live View cải tiến cũng hoạt động tốt. Khả năng theo dõi không chỉ mượt mà, mà việc tự động lấy nét trong chế độ Live View còn rất chính xác ngay cả khi đối tượng di chuyển ngoài khung hình. Tôi thực sự bất ngờ với cách 77D phát hiện đối tượng tức thời và theo dõi đối tượng khi đối tượng trở lại khung hình.
Khi chụp những cảnh chuyển động nhanh như thể thao, 77D cho chất lượng bắt nét ấn tượng. Ảnh hiếm khi trật nét, tốc độ chụp liên tục chưa thật cao, chỉ 6fps nhưng cũng vừa đủ để đáp ứng những cảnh chuyển động tương đối nhanh và không quá phức tạp.
Khi chụp chân dung 77D cho màu sắc dịu nhẹ, màu da người tái tạo tự nhiên, lên chi tiết tốt, dải sáng rộng. Chụp ảnh với 77D là một trải nghiệm thú vị. Chiếc máy dễ điều khiển, màn hình thể hiện chuẩn không sai lệch với màn hình máy tính là bao. Ảnh chụp từ 77D có thể dùng được ngay mà không cần mất nhiều công hậu kỳ.
Điểm đáng chú ý trên 77D là thuật toán chỉnh độ nét trong picture style và màu sắc. Thuật toán sharpness giờ không chỉ có duy nhất 1 tùy chỉnh như trước mà tách làm 3 tùy chỉnh khác nhau gồm: Strength, Fineness và Threshold. Những tấm hình của 77D sẽ có chi tiết và độ sắc khác với các máy đời trước. Về màu sắc, người dùng có thể chỉnh màu thế nào tùy thích: tươi sáng, rực rỡ, u tối, cổ điển, huyền ảo... Nếu người dùng thích sáng tạo, sẽ có rất nhiều điều để khám phá với 77D.
Chế độ cân bằng trắng tự động của 77D có thêm tùy chọn khử bớt màu vàng khi chụp dưới ánh đèn sợi tóc hay đèn đường. Đây là một tùy chọn hay nếu người dùng muốn màu sắc ảnh gần với thực tế nhất.
Khả năng chụp tối của 77D ở mức tốt. Trong điều kiện thiếu sáng máy vẫn cho tốc độ lấy nhanh cả khi chụp với viewfinder hay live view. Nhiễu được kiểm soát ổn ở mức ISO dưới 3200.
Điểm mạnh lớn nhất của 77D chính là khả năng quay video. Khả năng lấy nét liên tục, bám theo chủ thể (tracking) rất ấn tượng nhờ công nghệ Dual Pixel và vi xử lý DIGIC 7. Máy có thể phát hiện gương mặt và tự động bám nét theo đó kể cả khi chủ thể quay mặt đi. Công nghệ chống rung số 5 trục giúp sức đáng kể trong việc quay phim cầm tay mà không có các dụng cụ hỗ trợ như steady cam hay gimbal. Chất lượng video Full HD 60fps ở mức khá với chi tiết, độ nét, màu sắc ổn. Giá như Canon bổ sung thêm khả năng quay video 4K cho 77D thì đây sẽ là sản phẩm tiệm cận gần hơn mức xuất sắc.
Video test khả năng lấy nét liên tục của Canon 77D
Tổng kết
Với những gì thể hiện, 77D cho thấy Canon đang có những chiến lược đúng hướng ở phân khúc máy ảnh DSLR phổ thông entry level. Mẫu máy ảnh này đáp ứng gần như hoàn hảo cho đối tượng người dùng nghiệp dư và nâng cao đang có nhu cầu trang bị một thiết bị có chất lượng ảnh tốt, khả năng kiểm soát mạnh mẽ các thông số theo ý muốn, tích hợp nhiều tính năng hiện đại. Đặc biệt, chất lượng quay video của 77D cũng dễ dàng làm hài lòng số đông, nhất là khả năng bắt nét liên tục và chống rung ấn tượng.
Với mức giá chính hãng hiện tại vào khoảng 23 triệu đồng cho riêng thân máy (body), ngang bằng với 70D và thấp hơn khá nhiều so với 80D (27,9 triệu đồng), 77D là lựa chọn thực sự hấp dẫn cho những ai có ý định nghiêm túc trong việc quay phim, chụp ảnh, nhất là đối tượng sử dụng cho công việc.
theo vnreview