Màn hình LiveView: Từ bình dân trở thành thời thượng


Vốn xuất hiện như một tính năng hết sức tầm thường và có mặt ở tất cả các máy ảnh số bình dân point and shot (PnS, máy ảnh du lịch). Giờ đây, LiveView lại trở thành một tính năng thời thượng trên các dòng máy chuyên nghiệp (DSLR).

Theo Digital Trends, tính năng LiveView được xem là một cuộc cách mạng của máy ảnh kỹ thuật số so với máy ảnh phim, bởi lẽ nó cho phép người chụp có thể để máy ra xa và ngắm khuôn hình mình định chụp mà không cần phải nhìn qua ống ngắm nhỏ bé và vướng víu.

Trải qua một quá trình dài phát triển, tình năng này dần trở thành mặc định, hiển nhiên phải có đối với máy ảnh số, đến mức không ít khách hàng bình dân khi tiếp xúc với DSLR đã không biết phải chụp như thế nào vì không quen nhìn qua ống ngắm. Cũng như không thể hiểu nổi tại sao dòng DSLR sở hữu màn hình LCD lớn như vậy mà cũng chỉ để xem ảnh và truy cập menu.

LiveView là một chế độ ngắm "sống", ngắm trực tiếp đối tượng chụp ngay trên màn hình LCD. Bản chất của chức năng LiveView đối với máy ảnh compact thực ra rất đơn giản. Do được "đóng gói" trong một thể thống nhất gồm ống kính, chíp cảm biến và bảng mạch.

Do đó, bất kỳ khi nào bật máy, các điểm ảnh trên cảm biến cũng lập tức hoạt động, sẵn sàng bắt sáng. Mọi hình ảnh nhìn được qua ống kính sẽ tới thắng cảm biến, và cảm biến sẽ liên tục truyền các hình ảnh này ra màn hình LCD sau máy thông qua chip xử lý hình ảnh.

Nhưng đối với DSLR thì khác hẳn. Do là dòng máy ảnh ống kính rời, nên cảm biến bắt sáng của DSLR luôn được đóng kín và được che chắn bởi cửa trập và gương phản chiếu. Cấu tạo và cơ chế hoạt động của dòng máy này cũng phức tạp hơn nhiều. Do đó, khi đưa LiveView lên DSLR, các nhà sản xuất gặp một vài trở ngại. 

Đầu tiên, máy ảnh DSLR cần một gương phản chiếu để che chắn cảm biến, còn gọi là hệ thống kiểu TTL (Through The Lens - nhìn trực tiếp qua ống kính). Hệ thống này phản chiếu hình ảnh lên lăng kính ngũ giác phía trên đỉnh máy rồi tiếp tục phản chiếu đến ống ngắm.

Thứ hai, hệ thống lấy nét của DSLR hoạt động trên cơ chế đồng pha TTL. Về cơ bản, điểm lấy nét được phản chiếu qua gương lên cảm biến nét thành các pha khác nhau. Để các pha này trùng nhau (xác định điểm nét), cảm biến này sẽ gửi lệnh tới mô tơ điều khiển ống kính ra hay vào cho đến khi điểm nét được xác định.

Cách phản chiếu hình ảnh thông qua gương của DSLR còn gọi là hệ thống kiểu TTL

Điều này có nghĩa, chỉ khi có gương phản chiếu, máy ảnh DSLR mới có thể lấy nét được. Trong khi đó, chế độ LiveView lại bắt buộc gương phản chiếu lật lên để ánh sáng đến trực tiếp cảm biến rồi chuyển đến màn hình LCD. Để dung hòa hai khả năng trong khi bản chất chúng vốn mâu thuẫn với nhau là một điều rất khó. 

Để giải quyết vấn đề này, Olympus với model E-330 đã tích hợp một cảm biến nhỏ bắt hình từ gương phản chiếu, rồi từ đó hiển thị ra màn hình LCD. Panasonic không chậm trễ, cũng theo chân ngay với model DMC-L1.

Hệ thống LiveView trên Olympus E-330

Tuy nhiên, hệ thống này phải thêm chi phí vào việc phát triển một cảm biến nữa. Vì thế một số hãng khác như Nikon lựa chọn khi chuyển sang hệ thống LiveView, gương phản chiếu sẽ lật lên và cảm biến được kích hoạt để bắt hình liên tục truyền ra LCD. Nhưng ở chế độ này, hệ thống lấy nét theo pha sẽ không hoạt động được, thay vào đó, hệ thống lấy nét kiểu tương phản sẽ được kích hoạt và phải bấm bằng một nút khác nút chụp ảnh.

Nếu vẫn muốn theo kiểu DSLR thông thường, thì khi lấy nét, gương sẽ hạ xuống, màn hình sẽ mất, hệ thống sẽ lấy nét, rồi gương lại lật lên… Cả một quy trình khiến cho tốc độ chụp ảnh sẽ chỉ còn thích hợp với phong cảnh hay chụp ảnh tĩnh.

Những điều trên chính là nguyên nhân tốc độ lấy nét chậm hơn rất nhiều so với khi chụp bằng ống ngắm, dù tốc độ chụp luôn lớn hơn 3 fps. Đại đa số những người dùng DSLR ngay từ đầu không thích sự xuất hiện của LiveView trên dòng máy ảnh chuyên nghiệp vì hình ảnh thấy được trên màn hình thường chậm hơn hình ảnh thực và rất tốn pin.

Bên cạnh đó, máy ảnh chuyên nghiệp vốn đã cồng kềnh và nặng, dùng LiveView phải đưa máy ra xa, chỉ dùng tay để giữ (không có điểm tì, dựa) nên khả năng rung máy gây nhòe ảnh là rất lớn.

Bù lại, LiveView phát huy tác dụng khi góc chụp nằm sát đất và bạn không thể ngắm qua ống ngắm. Chế độ này rất tiện dụng khi chụp macro hoặc chụp phơi sáng trong đêm. Màn hình LCD lớn cho phép bạn xác định điểm cần lấy nét một cách trực quan và có thể kiểm soát các điểm AF.

Có 3 chế độ lấy nét hữu dụng khi chụp ảnh ở chế độ LiveView là: "Face + Tracking" (tự động phát hiện, theo dõi khuôn mặt); "FlexiZone – Single" (lấy nét thủ công ở 1 điểm duy nhất); "FlexiZone – Multi" (chụp chủ thể dùng 9 vùng khác nhau) và "Quick Mode" (sử dụng 9 điểm AF tương tự như ống ngắm). Chức năng LiveView cũng có thể được nối với máy tính nếu cần. 

Các sản phẩm đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến những cái tên như Olumpus E-330, Nikon D300, Sony Alpha 300, Sony Alpha 350, Pentax K20D, Canon 1000D, Canon 450D…

Bằng việc càng ngày càng xuất hiện trong những model cao cấp và pro nhất của Canon (1D X Mark II, 80D…) và Nikon (D5, D90…), LiveView đang chứng tỏ mình từ một tính năng "bình dân" trở thành "thời thượng", được đưa vào quảng cáo trong tất cả các buổi ra mắt sản phẩm DSLR mới, làm nền tảng căn bản cho sự xâm chiếm tiếp theo của chế độ quay video trên DSLR.

theo vnreview.vn



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn