So sánh 9 mẫu mirrorless tốt nhất 2015 (phần 1)


Bài viết này sẽ so sánh một số thông số kỹ thuật và nét đặc trưng của 9 chiếc máy ảnh mirrorless cao cấp đáng chú ý nhất trong năm 2015

Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc máy ảnh trang bị những công nghệ tốt nhất, máy ảnh mirrorless sẽ là lựa chọn hoàn hảo.

Những sản phẩm nằm trong phân khúc này luôn bắt kịp những công nghệ tiên tiến nhất, đem lại chất lượng hình ảnh vượt trội cũng như sự tiện ích cho người sử dụng. Khác hẳn với "người anh em" DSLR cồng kềnh và bắt nhịp chậm thời đại công nghệ.

Dưới đây là bài so sánh từ trang Gizmag về các thông số kỹ thuật cũng như nét đặc trưng của một số mẫu máy ảnh mirrorless tốt nhất trên thị trường trong năm 2015. Ngoài ra, có rất nhiều mẫu máy ảnh mirrorless khác trên thị trường phù hợp với từng nhu cầu chụp của người dùng.

Bài so sánh này chỉ lựa chọn ra những mẫu đặc trưng cho từng hãng và được đánh giá cao, không có nghĩa là những sản phẩm khác không đủ điều kiện có trong danh sách này. Danh sách bao gồm: Fujifilm X-T10, Panasonic GX8, Olympus E-M5 Mark II ,Olympus E-M1 ,Fujifilm X-T1, Panasonic GH4, Sony A7 II, Sony A7R II và Leica SL. Dưới đây là phần so sánh chi tiết.

1. Kích thước

Kể từ khi xuất hiện chiếc máy ảnh mirrorless đầu tiên, chúng đã được thiết kế hướng đến kiểu dáng nhỏ gọn, thậm chí có thể dễ dàng bỏ túi như những chiếc điện thoại di động. Điều này cũng nhằm tạo sự khác biệt so với dòng DSLR "quá khổ".

Thật vậy, 2 mẫu Fujifilm X-T10 và Panasonic GX8 đặc biệt nhỏ gọn, thậm chí có thể bị nhầm lẫn với một máy ảnh compact. Riêng Leica SL đã phá bỏ hoàn toàn giới hạn về kích thước của máy ảnh mirrorless. Lưu ý đây là kích thước thân máy chuẩn khi chưa gắn thêm ống kính.

Tuy nhiên, một số dòng máy hiện nay sử dụng cảm biến Full-Frame dẫn đến những ống kính đi kèm phải có kích thước đủ lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với kích thước của thân máy, tương đương với những ống kính gắn trên DSLR. Đây cũng là điều đáng xem xét nếu như bạn đặc biệt quan tâm về kích thước của các dòng mirrorless. 

2. Trọng lượng

Một lần nữa chúng ta có thể thấy sự nhỏ gọn của những chiếc mirrorless so với DSLR. Với lợi thế này, bạn có thể mang chúng đi bất cứ đâu mà không hề cảm thấy bất tiện. Những con số đưa ra dưới đây chỉ tính đến thân máy khi lắp thêm viên pin đi kèm và thẻ nhớ.

Trong số đó, Fujifilm X-T10, X-T1 và Olympus E-M5 Mark II là 3 mẫu nhẹ nhất, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng nếu đem so sánh với các dòng mirrorless entry-level trong thời gian gần đây. Lý do bởi vì vỏ ngoài của chúng được làm bằng hợp kim magie với chất lượng và độ bền cao nhưng vẫn đảm bảo trọng lượng nhẹ. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn nhưng Leica SL lại có trọng lượng lớn nhất, tương đương Nikon D750 là chiếc DSLR sử dụng cảm biến Full-Frame.

3. Kích thước cảm biến

Kích thước cảm biến là lý do vô cùng quan trọng nếu như muốn nói đến chất lượng hình ảnh. Phạm vi so sánh trong phần này bao gồm từ loại cảm biến kiểu Micro Four Third 4/3 đến Full-Frame, trong đó có cảm biến APS-C khá phổ biến trên các dòng DSLR tầm trung và được cho là phù hợp để bắt đầu làm quen.

Kích thước cảm biến khác nhau dẫn đến tiêu cự khi sử dụng ống kính cũng khác nhau. Vì vậy, người dùng cần phải xem xét các yếu tố về tiêu cự tương đương với các kích cỡ cảm biến khác nhau. Hệ số crop của cảm biến Micro Four Third 4/3 là 2X, APS-C là 1.5x.

4. Độ phân giải cảm biến

Đa số các dòng máy ảnh trong danh sách đều trang bị cảm biến có độ phân giải 16MP, được cho là phù hợp với hầu hết người sử dụng. Đặc biệt, chiếc Olympus E-M5 Mark II có thêm có khả năng dịch chuyển cảm biến để tạo ra tấm hình có độ phân giải lên đến 40MP.

Sony A7 II và Leica SL nổi bật hơn với độ phân giải 24MP, cung cấp hình ảnh với độ sắc nét cao cũng như cho phép crop ảnh trong hậu kì thuận lợi hơn. Nhưng tất cả đều không là gì so với độ phân giải "khủng" 42.4MP trên chiếc Sony A7R II. Sản phẩm có khả năng tạo ra bức ảnh có độ chi tiết tuyệt vời và đầy sức mạnh khi sử dụng để chỉnh sửa.

5. Bộ vi xử lý hình ảnh

Do các nhà sản xuất đều sử dụng vi xử lý hình ảnh "cây nhà lá vườn" cho sản phẩm của mình, vì thế rất khó để so sánh được chất lượng. Chỉ cần lưu ý rằng sản phẩm đó đang sử dụng bộ xử lý hình ảnh hàng đầu của nhà sản xuất tương ứng.

6. Hệ thống lấy nét tự động

Đây vốn là lĩnh vực mà từ lâu mirrorless luôn lép vế so với DSLR. Tuy nhiên, chế độ lấy nét tự động ngày càng được nâng cấp trên các dòng máy mới đủ sức để cạnh tranh với DSLR "đang dần già nua". Tất cả các máy ảnh trang bị hệ thống lấy nét tương phản hay kết hợp giữa tương phản và theo pha đều có khả lấy nét nhanh và chuẩn không kém gì các dòng máy DSLR .

7. Tốc độ chụp liên tiếp

Tốc độ chụp liên tiếp áp dụng cho những hành động xảy ra với tốc độ cao, giúp bạn có hơi hội ghi lại những khoảnh khắc thoáng qua chỉ trong tích tắc. Những cái tên nổi bật trong phần này là Panasonic GH4  và Leica SL. Bộ đôi Sony không được đánh giá cao, tuy nhiên nhờ có "số chấm" khủng mà A7R II bù đắp được phần nào độ chậm chạp của mình.

8. Độ nhạy sáng

Khả năng chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng được thể hiện qua dải ISO của máy. Tuy nhiên, với những con số đó bạn cũng không thể sử dụng triệt để chúng.Với những mẫu máy ảnh hiện tại, khi tăng ISO lên 6400 bạn sẽ thấy rõ độ nhiễu của ảnh, đặt biệt là trên cảm biến có kích thước nhỏ.

Bộ đôi Fujifilm trong danh sách này chỉ có dải ISO hạn chế từ 200-6.400 nhưng có thể mở rộng tối đa đến 51.200. Trong khi đó, chiếc Leica SL có dải ISO tới 50.000, một con số rất ấn tượng.

Trong phần 2, bài viết sẽ tiếp tục so sánh những yếu tố khác của 9 chiếc máy ảnh mirrorless cao cấp được đánh giá cao nhất trong năm 2015.

theo vnreview.vn



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn