Đo sáng ảnh hưởng đến hình ảnh như thế nào?


Đo sáng là một trong những yếu tố mà nhiếp ảnh gia mới bắt đầu thường nắm bắt không tốt, nhưng nó có thể quyết định sự khác biệt trong bức ảnh của bạn, vì vậy hãy dành thời để khám phá nó

Bài viết dưới đây từ trang công nghệ Make Use Of sẽ cung cấp một số thông tin dành cho những nhiếp ảnh gia mới bắt đầu làm quen cần biết về các chế độ đo sáng trên máy ảnh, khả năng ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như cách điều chỉnh và kiểm soát chúng.

Đầu tiên, hiểu đơn giản đo sáng giúp máy ảnh nhận biết lượng ánh sáng chuẩn cho một bức ảnh chụp. Máy ảnh sẽ phân tích các điểm sáng, tối của cảnh vật, xác định phần chủ thể được ưu tiên và lựa chọn mức ánh sáng đi vào cảm biến chuẩn nhất thông qua cách lựa chọn khẩu độ và tốc độ màn trập một cách chính xác.

Các dòng máy ảnh kỹ thuật số hiện nay đều có khả năng đo sáng tự động/bán tự động, tuy nhiên vẫn có chế độ điều chỉnh bằng tay cho những nhiếp gia muốn kiểm soát hoàn toàn thiết bị của mình. Vì vậy, trang bị kiến thức tốt về đo sáng không những thành thạo hơn trong việc chụp ảnh mà còn nâng cao khả năng sáng tạo của bạn.

Vậy đo sáng ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh của bạn? Với những người ít hoặc không quan tâm đến khái niệm này, họ thường sử dụng đến chế độ tự động/bán tự động trên máy ảnh. Dĩ nhiên hình ảnh chụp được không phải là tệ, tuy nhiên chúng sẽ không được đánh giá cao, bởi đơn giản máy ảnh chỉ là những cỗ máy.

Tuy nhiên, nếu sử dụng sang chế độ thủ công nhưng không hiểu rõ về đo sáng, người dùng rất dễ mắc phải sai sót như ảnh bị thừa sáng hoặc thiếu sáng. Tùy thuộc vào từng điều kiện và cường độ mà lượng ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh là khác nhau, do đó đo sáng cũng khác nhau.

Trên máy ảnh (đối với DSLR và mirrorless), đo sáng được hiển thị bằng một thang đo sáng phía dưới bên trong ống ngắm hay màn hình Live View. Tại đây người dùng sẽ biết được lượng ánh sáng hiện tại cảm biến nhận được như thế nào tương ứng với khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO hiện tại.

Thang đo này sẽ được chia ra cách vạch nhỏ tương ứng từng mức sáng, ở giữa là số "0" ám chỉ đúng sáng, bên phải là dấu "+" ám chỉ lượng sáng bị dư, và bên trái là dấu "-" chỉ lượng ánh sáng bị thiếu. Cuối cùng trên thang đo sẽ có một con trỏ chạy từ "-" sang "+" để thông báo chính xác lượng ánh sáng hiện tại như thế nào. Tùy từng dòng máy mà thang đo sáng có thể khác nhau như hiển thị thêm chữ số như -2, 1, +2…

Các chế độ đo sáng

Thường có 3 chế độ đo sáng phổ biến đó là: Đo sáng toàn bộ (ma trận), đo sáng trung tâm và đo sáng điểm.

Đối với chế độ đo sáng toàn bộ, đây là chế độ mặc định của máy ảnh DSLR. Nó hoạt động bằng cách chia khung ngắm thành nhiều vùng với nhiều điểm đo khác nhau. Chip vi xử lý sẽ phân tích, tổng hợp và chia trung bình cộng để chọn ra một mức độ sáng tối ưu nhất. Cách đo này phù hợp với chụp ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt hay ảnh tương đối sáng đều ở mọi vị trí.

Tiếp đó, chế độ đo sáng trung tâm sẽ đưa máy ảnh tập trung vào phần ánh sáng ở giữa của bức ảnh mà bạn chụp. Phép đo này sẽ tiến hành đo ngay vòng tròn đường kính 8 mm giữa khung ngắm. Không như đo sáng toàn bộ, chế độ này không quan tâm tới điểm lấy nét mà chỉ đo sáng tại trung tâm tấm hình.

Sử dụng chế độ này nếu bạn muốn ưu tiên vùng trung tâm của bức ảnh, chẳng hạn như một đối tượng tương đối lớn ở giữa ảnh, thường được các bác nhiếp ảnh chuyên thể loại chân dung ngoài trời đánh giá rất cao.

Cuối cùng, chế độ đo sáng điểm chỉ phân tích ánh sáng xung quanh điểm lấy nét và bỏ qua mọi thành phần khác. Chế độ này xác định phạm vi đo sáng trong một hình tròn đường kính rất hẹp chỉ khoảng 2-3 mm tâm điểm khung ngắm (khoảng 1% khung hình). Phép đo này thường được áp dụng khi chụp chủ thể ngược sáng, chính diện bị tối hơn bối cảnh và đòi hỏi cần phải đo sáng với độ chính xác cao, hay chủ thể nhỏ, chiếm ít khung hình.

Đối với các dòng máy ảnh đời thấp, các chế độ đo sáng thường được lựa chọn trong menu của máy. Tuy nhiên, đến các dòng cao hơn, các nhà sản xuất đã bố trí các nút riêng biệt để người dùng tiện truy cập. 

Quan trọng là khi nắm bắt được những kiến thức cơ bản về đo sáng, hãy mang máy ảnh ra và thực hành. Kết hợp với kiến thức về các thông số chụp như ISO, khẩu độ, tốc độ màn trập, bạn sẽ có được những bức ảnh ứng ý và đúng sáng.

theo vnreview.vn



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn