Bộ ảnh "Sống trong rác, chết chìm trong rác" của một thợ make-up gây ám ảnh người xem về thực trạng rác thải ảnh hưởng đến đời sống con người hiện nay - Ảnh: NHƠN TẠ
Quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, một người thợ make-up đam mê chụp ảnh đã lên tiếng bằng bộ ảnh Sống trong rác, chết chìm trong rác.
Hằng ngày phải đi lại nhiều lần trên đường Phú Định (quận 8, TP.HCM), anh Tạ Đức Nhơn (sinh năm 1989, quận 6, TP.HCM) không khỏi bức xúc vì sự ô nhiễm của bờ sông nơi này.
"Mình rất thích đi du lịch và thích được chụp lại khung cảnh nơi mình đã đi qua, nên thường rủ bạn đi chụp cùng. Nhà mình và bạn cách nhau khoảng 4km nên hai đứa thường đi lại bằng đường Phú Định sát bờ kè. Ngày nào cũng đi qua và cũng được thấy nước sông đen thùi lùi, rác ngập ngụa hai bên bờ kè, kinh khủng", anh Nhơn cho biết.
Cùng với những ám ảnh từ tin bão tại Sài Gòn nhiều ngày trước khiến rác thải ứ đọng, nhớ lại cảnh các chú công nhân cực khổ moi rác từ trong cống ra mà báo chí đăng, trong khi quá nhiều người vẫn vô tư xả rác ra nơi công cộng…; người thợ make-up thấy phải làm một điều gì đó để cảnh tỉnh việc người dân xả rác bừa bãi, thích là quăng.
Và anh đã quyết định "xách máy" lên thực hiện một bộ ảnh về chủ đề: Con người và rác thải.
Tấm ảnh gây ám ảnh nhất trong cả bộ ảnh - Ảnh: NHƠN TẠ
Câu chuyện đằng sau những tấm ảnh
Bộ ảnh anh Nhơn chụp gồm 5 tấm hình, diễn tả cảnh 1 người nằm trên dòng nước đen đặc, ngập nửa người những mẩu rác chai lọ, túi nilông ùn ứ xung quanh cùng dòng mô tả ảnh: "Các bạn nghĩ gì nếu một ngày không xa, thế hệ sau, con cháu chúng ta sẽ phải sống chung với rác?".
Sau khi bộ ảnh hoàn thành và được đăng tải lên mạng xã hội, rất nhiều người đã chia sẻ và có lời ngợi khen dành cho bộ ảnh nhân văn, táo bạo.
Ảnh: NHƠN TẠ
Êkip thực hiện sản phẩm này chỉ có 2 người: anh Nhơn và bạn anh. Công cụ chụp cũng đơn giản chỉ là một chiếc máy ảnh bình thường, một chiếc điện thoại để chỉnh màu và một studio ngay chính tại phòng riêng chật chội của anh.
Đây là bộ ảnh được dàn dựng, không phải chụp chính trên dòng sông ô nhiễm tại quận 8 như nhiều người vẫn nghĩ, cũng không phải dùng kỹ thuật cắt ghép.
Nhơn kể: "Do không thể nhảy xuống dòng sông đen ngòm chụp được, mình phải dựng lại cảnh sao cho giống thật nhất. Mình dùng phao bơi bơm hơi cho trẻ em, loại lớn đủ 1 người nằm, pha cà phê đổ vào phao cho nó có màu đen như nước bẩn ở con sông mình thấy. Mình bóp nát cháo chai, xé vài miếng giấy, thêm mấy lá cây vàng bị rụng để tạo rác".
"Để chụp được 5 tấm ảnh đó, mình cũng mất vài ngày để hoàn thành. Thiết bị chụp cũng thô sơ, không gian chụp cũng nhỏ quá, do không có studio xịn mà chỉ chụp trong phòng mình nên mình phải chọn và thay đổi góc máy rất nhiều lần để cho ra bộ ảnh sát với những gì mình muốn truyền tải nhất", anh tâm sự.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện, mẫu trong bức ảnh, anh Phạm Trần Phương cho biết: "Mình rất ủng hộ ý tưởng về môi trường của anh Nhơn nên đã đồng ý, dù công việc chính của mình là ca sĩ. Nhiều tấm phải ngâm mặt, rồi ngâm cả người dưới nước lâu nên cũng khá lạnh và khó mở mắt khi ở dưới nước. Trong bộ ảnh, mình cố truyền tải những cảm giác thật nhất của con người khi buộc phải sống chung với rác: hoảng sợ, chấp nhận, cam chịu cũng có. Hi vọng mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường".
Ảnh: NHƠN TẠ
Đây là bộ ảnh đầu tiên Tạ Đức Nhơn chụp về các vấn đề xã hội. "Mình cũng chụp phong cảnh, chụp chân dung, nhưng mình muốn nghệ thuật phải có tính nhân văn nên mình chọn đào sâu vào các đề tài xã hội như: rác thải, chuyện sống ảo, nghiện Facebook…
Trong âm nhạc mình, thần tượng Sia - một người dành rất nhiều tâm huyết cho các vấn đề xã hội như đấu tranh nhân quyền, đấu tranh cho trẻ em, thú cưng, LGBT, HIV… Bà chọn cách đấu tranh bằng chính từng nốt, từng lời nhạc của mình. Mình không có khả năng làm âm nhạc như bà, nên mình chọn thứ mình có thể làm được, là make-up và nhiếp ảnh", Nhơn bộc bạch.
Theo Tuổi Trẻ