Các hãng máy ảnh Nhật tìm cách sinh tồn với làn sóng smartphone


Tận dụng kinh nghiệm về quang học để cải tiến máy in 3D và các thiết bị Internet of Things là một hướng đi


Từ máy ảnh SLR cho tới mirrorless, Nhật Bản đều vượt trội và bỏ xa các công ty nước ngoài cả về doanh số lẫn công nghệ. Họ kiểm soát tới hơn 90% thị trường nhiếp ảnh kỹ thuật số nói chung, nắm vị thế độc tôn không thể bị phá vỡ. Nhưng rồi smartphone xuất hiện và nhanh chóng nâng cấp chất lượng camera qua từng năm, tới mức nhiều người chẳng còn muốn mua máy ảnh.

Điều này dẫn tới việc những ông lớn như Nikon hay Canon phải sắp xếp lại dải sản phẩm, nếu muốn tồn tại. Những cái tên biểu tượng ấy giờ đang tận dụng công nghệ quang học được tích lũy qua hàng chục năm của mình, sản xuất máy in 3D compact và hàng tá các thiết bị chính xác khác, linh kiện cho sản phẩm Internet of Things,... 

Ngành máy ảnh số của Nhật Bản đang gặp khó khăn (ảnh: Nikkei)

Theo Techno Research, lượng giao hàng máy ảnh toàn cầu sẽ đạt khoảng 8,4 triệu chiếc trong năm nay, giảm tới 40% so với 2019. "Doanh số ở thị trường Trung Quốc đã quay đầu bằng với năm 2019", một quan chức Nikon phát biểu. Công ty không hề lạc quan về tình hình kinh doanh trong tương lai. Nhìn chung, mây đen đang bao trùm lấy ngành công nghiệp nhiếp ảnh ở Nhật.

Vào tháng Sáu, Olympus đã quyết định rút lui khỏi kinh doanh máy ảnh. Thông báo khiến nhiều người bị shock dù trước đó đã có nhiều tin đồn xuất hiện. Các nhà quan sát tin rằng từ động thái này, báo hiệu các công ty sản xuất camera khác sẽ thu hẹp lại đáng kể quy mô nhằm cắt giảm chi phí. Ngay cả dải sản phẩm máy ảnh cũng bị tinh gọn lại để thích nghi với thời cuộc mới.

Nikon nắm lợi thế về chuyên môn quang học đã được tích lũy qua nhiều thập niên

Nikon đang tích cực thúc đẩy ống kính Nikkor tới những ứng dụng mới. Trong thế kỷ 21, Nikon nhấn mạnh về trình độ quang học của mình đã đạt tới mức nào: giả sử ống kính Nikon đạt tới kích thước ngang với một sân vận động, bất kỳ sự sai khác nào trên bề mặt nó thậm chí còn nhỏ hơn cả một sợi tóc. Dựa vào đó, công ty áp dụng chuyên môn quang học vào cải tiến máy in 3D.

Họ giảm kích thước của máy in 3D kim loại, thiết kế một thấu kính laser đặc biệt có mức độ chính xác siêu cao, phù hợp với công việc cắt và nung chảy. Máy in 3D kim loại đó có cân nặng 300kg và dài không tới 1m, cao chưa tới 2m, khiến cho nó dễ dàng sử dụng trong các môi trường sản xuất giới hạn. Họ còn có một công nghệ khác gọi là "cán phụ gia".

Nikon ứng dụng những bí mật quang học của mình để cải tiến máy in 3D kim loại (ảnh: Nikkei)

Phun một lớp bột kim loại lên trên vùng mục tiêu, trong khi nấu chảy và cố định vị trí nó bằng tia laser. Theo ông Motofusa Ishikawa, người tham gia dự án, "nó đã sửa chữa các vết nứt trên ống kim loại và chip trong khuôn kim loại, cũng có thể khôi phục đầu ốc vít".

Trong khi đó, Fujifilm lại ứng dụng chuyên môn quang học trong chế tạo ống kính vào sản xuất máy chiếu. Năm ngoái, công ty đã ra mắt máy chiếu siêu gần như là sản phẩm đầu tiên chào sân của mình. Lĩnh vực máy chiếu đã là một thế mạnh từ lâu của Nhật Bản khi có các thương hiệu lớn  như Canon, JVC, Sony, NEC tham gia, giờ lại thêm Fujifilm.

Fujifilm nhảy vảo sản xuất máy chiếu thương mại, đi theo Canon, Sony, NEC (ảnh: Fujifilm)

Trong khi đó, Canon tập trung vào bộ xử lý tín hiệu ảnh, được coi là "bộ não" của bất kỳ camera nào. Con chip xử lý các thông số phơi sáng, lấy nét, dữ liệu,... ngày càng quan trọng trong kỷ nguyên Internet of Things. Cùng với đó, họ đầu tư vào loại máy quay giám sát giúp nâng cao tính tự động hóa ở các nhà máy công nghiệp.

Máy ảnh kỹ thuật số không còn là đơn vị sinh lời nữa, giờ là lúc các doanh nghiệp Nhật Bản tái tạo lại công nghệ của họ ở những lĩnh vực khác, bên ngoài chiếc máy ảnh.

Ambitious Man



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn