Tính đến thời điểm hiện tại, Leica M3 vẫn được xem là một tượng đài rất lớn trong cộng đồng nhiếp ảnh phim, trong khi đó, chiếc máy Game Boy lại là một huyền thoại thời thơ ấu của biết bao thanh niên chúng ta. Nếu đem so sánh, chắc chỉ có nhiếp ảnh gia Guilherme Oliveira mới nghĩ đến ý tưởng kì lạ này.
Xét về phương diện chơi game, chắc chắn Leica không thể làm được điều này, nhưng nếu xét về khả năng chụp ảnh, Game Boy vẫn có thể chụp được, thế nên chưa đấu cũng có thể thấy Game Boy ghi được 1 điểm đầu tiên rồi.
Nói thêm về Game Boy, để chụp được ảnh, Guilherme đã mua phụ kiện Game Boy Camera gắn vào và cũng không quên tậu thêm Game Boy Printer để có thể in ảnh ra cho dễ so sánh."Tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về tiêu cự ống kính của Game Boy Camera, nhưng nếu quy chiếu theo khổ 35 mm (full frame) thì tiêu cự của nó vào khoảng 30mm đến 40 mm. Nó chỉ chụp ra được những bức ảnh tông màu đen trắng 256 x 224 pixel, tương đương độ phân giải 0,054 MP", ông cho biết. "Chuyện lấy nét cũng không là vấn đề đối với một bức ảnh có độ phân giải nhỏ tí tẹo thế này, và tất nhiên cũng chẳng ai quan tâm khẩu độ và độ sâu trường ảnh đâu nhỉ? Điều quan trọng là nó có thể lưu được 30 bức ảnh, thế là đủ."
Còn với Leica M3, Guilherme sử dụng kèm ống kính 50mm f/2 Summicron, lắp phim Kentmere 400 để chụp, xử lý bằng thuốc D76 và scan phim ra ảnh số thông qua máy scan Epson V600.
Mời các bạn xem và đánh giá chất lượng nhé:
Tóm lại, chúng ta vẫn có thể thấy rõ kẻ thắng cuộc ở đây là Leica M3, tuy nhiên Guilherme cũng cho biết thêm rằng Game Boy Camera có một số lợi thế riêng. Chẳng hạn như bạn có thể xem được kết quả ảnh liền, trong khi đó nếu chụp ảnh phim thì phải hết xong một cuộn ta mới có thể đem tráng rồi scan ảnh, khá là rườm rà. Hơn nữa, người dùng Game Boy Camera cũng không cần phải lo lắng đến vấn đề mốc, rễ tre trên ống kính hay bị hở sáng... Ngược lại, Leica M3 không cần sử dụng pin, trong khi Game Boy Camera cần 4 viên AA và Printer cần 6 viên. Vậy bạn thích cái nào hơn?
(Tham khảo: Petapixel)