Những mẫu máy ảnh đáng chú ý nhất tại CP+2016


Triển lãm CP+ 2016 diễn ra tại thành phố Yokohama, Nhật Bản đã chính thức khép lại. Không có bất ngờ lớn nào tại triển lãm năm nay, các nhà sản xuất máy ảnh hàng đầu thế giới vẫn biết cách khẳng định tên tuổi bằng những sản phẩm mới và hiện đại hơn. Hãy cùng điểm qua một số mẫu máy ảnh được đánh giá cao góp mặt tại triển lãm CP+ lần này.

Canon EOS 1D X Mark II

1D X Mark II hiện là mẫu DSLR chuyên nghiệp cao cấp nhất của Canon. Máy được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mẫu Nikon D5 cũng góp mặt tại CP+ 2016.

Thông số kỹ thuật cơ bản của Canon 1D X Mark II gồm: cảm biến Full-Frame 20.2MP, chip xử lý Dual DIGIC 6+, ISO tối đa 409.600, tích hợp hai hệ thống lấy nét, gồm hệ thống High Density Reticular (HDR) AF II kết hợp với hệ thống Dual Pixel CMOS AF trên cảm biến.

Máy được nâng cấp lên 61 điểm lấy nét (41 điểm cross-type), tốc độ chụp liên tiếp 14fps, màn hình cảm ứng 3.2 inch, độ phân giải 1.62 triệu điểm ảnh. Ngoài ra, 1D X Mark II cũng được trang bị hệ thống chống rung trong thân máy và hỗ trợ quay video 4K ở tốc độ 60fps.

Dự kiến mức giá của sản phẩm này sẽ là 5.999 USD (133,5 triệu đồng). Máy lên kệ vào tháng 4/2016.

Canon EOS 80D

Canon EOS 80D là chiếc DSLR thuộc dòng bán chuyên mới nhất của Canon. Máy vừa được giới thiệu vào tuần trước và chính thức ra mắt tại sự kiện CP+ năm nay. So với 70D, 80D được nâng cấp cả về cảm biến và bộ xử lý. Máy sở hữu cảm biến APS-C 24.2MP với bộ xử lý DIGIC 6, kết hợp công nghệ Dual Pixel CMOS AF tích hợp 45 điểm lấy nét tự động đều là cross type.

Dải ISO của máy từ 100-16.000 và mở rộng lên đến 52.000, khả năng chụp liên tiếp 7 khung hình/giây và quay video Full HD 1080p tại 60fps. Phía sau 80D là màn hình LCD 3 inch, độ phân giải 1.04 triệu điểm ảnh có khả năng xoay lật và hỗ trợ cảm ứng giống như phiên bản tiền nhiệm. Viewfinder cho góc nhìn 100% khung hình và độ phóng đại 0.95x.

80D sử dụng cơ cấu gương lật mới, giúp giảm thiểu độ rung khi vận hành và nhờ đó giúp hình ảnh sắc nét hơn, ngay cả khi chụp ở tốc độ màn trập thấp. Cơ cấu gương lật này đã xuất hiện trên chiếc 7D Mark II và 5Ds. Ống kính kit đi kèm của 80D là EF-S 18-135mm f/3.5-5.6 IS USM, với công nghệ Nano USM Technology đem lại tốc độ lấy nét nhanh và chính xác hơn cả khi quay phim và chụp ảnh.

Canon EOS 80D sẽ có giá bán 1200 USD (26,9 triệu đồng) cho riêng thân máy, và 1800 USD (40 triệu đồng) cho bộ kit gồm cả ống kính 18-135mm.

Nikon D5

Mẫu DSLR cao cấp nhất của Nikon từng được giới thiệu đầu năm nay tại triển lãm CES 2016 và tại triển lãm CP+ lần này, siêu phẩm này lại xuất hiện. Theo đó, D5 sử dụng cảm biến Full-Frame 20.8 MP định dạng FX mới được phát triển cùng hệ thống đo sáng RGB 180.000 điểm ảnh. Máy trang bị hệ thống lấy nét 153 điểm mới của Nikon với 99 điểm cross-type và 55 điểm tuỳ chọn cùng bộ xử lý Expeed 5.

Cảm biến mới trên D5 có dải ISO từ 100-102.400 và có thể mở rộng đến con số "siêu khủng" 50-3.280.000 với thiết lập "Hi 5", cao nhất hiện nay. Thiết bị có tốc độ chụp 12 khung hình/giây ở chế độ thường và 14 khung hình/giây ở chế độ khóa gương lật.

Hình ảnh bổ đôi của chiếc Nikon D5.

Các tính năng khác như máy sở hữu màn hình cảm ứng LCD kích thước 3.2 inch với độ phân giải 2.36 triệu điểm ảnh, đặc biệt là khả năng quay video 4K tại 30fps và time-lapse 4K lần đầu tiên đước Nikon tích hợp trên dòng DSLR.

Nikon D5 sẽ được lên kệ từ tháng 3/2016 với mức giá cho thân máy là 6.500 USD (tương đương 146 triệu đồng).

Nikon D500

Được giới thiệu vào cùng thời điểm với siêu phẩm Nikon D5, Nikon D500 thuộc series Nikon DX sử dụng cảm biến APS-C với độ phân giải 20.8 MP, bộ xử lý hình ảnh EXPEED 5 và hệ thống lấy nét tự động 153 điểm với 99 điểm là cross-type và 55 điểm tuỳ chọn. Đặc biệt D500 cũng có khả năng quay video 4K 30fps giống với chiếc D5 cao cấp.

Máy được trang bị màn hình LCD cảm ứng, kích thước 3.2 inch với độ phân giải 2.359 triệu điểm ảnh, Viewfinder có kích thước phủ 100% với độ phóng đại 0.72x và công nghệ độc quyền giúp chia sẻ hình ảnh qua Bluetooth có tên SnapBridge. Ngoài ra, D500 có dải ISO mở rộng tối đa đến con số ấn tượng 50-1.640.000. Tốc độ chụp của máy đạt 10 khung hình/giây ở chế độ thường và 14 khung hình/giây ở chế độ khóa gương lật.

Giá bán của Nikon D500 là 2000 USD (khoảng 45 triệu đồng) cho thân máy. Máy được lên kệ cùng thời gian với mẫu Nikon D5.

Pentax K-1

Đây là đại diện duy nhất của Pentax tại triển lãm năm nay. K-1 là mẫu DSLR đầu tiên của hãng trang bị cảm biến CMOS Full-Frame với độ phân giải 36.4MP cùng công nghệ xử lý hình ảnh PRIME IV mới cho phép chụp ảnh RAW 14-bit. Máy sở hữu 33 điểm lấy nét tự động, trong đó có 25 điểm cross-type, độ bù sáng cao -3EV và hệ thống chống rung 5 trục được tích hợp.

Hình ảnh bổ đôi chiếc Pentax K-1.

Màn hình LCD của máy là điểm nâng cấp lớn mà chưa dòng máy nào đạt được, với kích thước 3.2 inch, độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh có khả năng lật nghiêng linh hoạt cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Đặc biệt, thiết bị có chế độ thiết lập mới giúp giả lập sang cảm biến Crop, người dùng có thể thay đổi chế độ từ Full-Frame sang Crop một cách dễ dàng mà không hề ảnh hưởng đến ống kính gắn kèm, cho dù đó là ống kính chỉ thích hợp trên Crop.

Thân máy của K-1 được làm hợp kim magie với 87 điểm được gia cố giúp chống chọi tốt với nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các thông số khác của máy bao gồm dải ISO từ 100-204.800, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ SD kép, tích hợp Wi-Fi/GPS cũng như nhiều hiệu ứng giúp chụp chân dung nổi bật hơn. Tuy nhiên, máy chỉ có khả năng quay video Full HD 1080p khá hụt hơi so với 2 siêu phẩm của Canon và Nikon.

Mẫu K-1 với lớp vỏ trong suốt.

Được biết, Pentax K-1 sẽ có giá 1.800 USD (hơn 40 triệu đồng) với nhiều tùy chọn riêng biệt và được lên kệ vào tháng 4 năm nay.

Bộ đôi Sigma sd Quattro và sd Quattro H

Bô đôi mirrorless đầu tiên của Sigma được giới thiệu tại triển lãm CP+ 2016 nhận được khá nhiều sự chú ý. Ngoài kiểu dáng thiết kế khá lạ mắt, bộ đôi này còn gây được ấn tượng với việc trang bị cảm biến Foveon 3X Quattro mới nhất với ba lớp diode nhạy sáng. Mỗi lớp này được đặt ở vị trí có độ sâu khác nhau trong nền silicon và đảm nhận một sắc thái riêng trong dải màu RGB.

Kết cấu đặc biệt của cảm biến mới cho phép tiếp nhận độ phân giải hình ảnh cao hơn kết cấu cảm biến Bayer trên phần lớn các máy ảnh hiện nay, cũng như đảm bảo tốc độ xử lý thông tin nhanh. Nếu cảm biến hiện nay có thể thu nhận dữ liệu gồm 50% sắc xanh, 25% sắc xanh lam, 25% sắc đỏ thì cảm biến Foveon X3 Quatro mới có thể thâu nhận 100% dữ liệu đối với cả ba màu ở một trong ba lớp cảm biến của nó.

Trong đó, mẫu sd Quattro trang bị cảm biến APS-C độ phân giải 29 MP, trong khi phiên bản sd Quattro H sử dụng cảm biến APS-H 45 MP. Sigma cho biết, cảm biến APS-C Foveon cung cấp chất lượng hình ảnh và độ phân giải tương đương với cảm biến 39 MP trên các dòng máy ảnh khác, trong khi cảm biến APS-H tương đương với cảm biến 51 MP.

Cả 2 phiên bản đều sử dụng chip xử lý ảnh Dual TRUE III, dải ISO của 2 máy trải dài từ 100 – 6400, hệ thống lấy nét hai chế độ, kết hợp lấy nét theo pha và lấy nét tương phản với 9 điểm lấy nét được tích hợp.

Trên mặt sau của 2 thiết bị được trang bị kính ngắm điện tử EVF 2,36 triệu điểm ảnh, độ bao phủ là 100% và màn hình LCD 3 inch với 1,62 triệu điểm ảnh. Ngoài ra, máy có tính năng chụp ảnh Super-Fine Detail với khả năng chụp liên tiếp 7 ảnh với độ sáng khác nhau. Khi kết hợp chúng lại, bạn sẽ được một bức ảnh có Dynamic Range cũng như độ phân giải cao hơn.

Hiện giá bán cũng như thời điểm bán ra của 2 mẫu máy ảnh mới này vẫn chưa được Sigma công bố.

theo vnreview.vn



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn