Còn gì tuyệt hơn khi có thể chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi với thiết bị rất nhỏ gọn và nhiều nhiều những tính năng khác bên cạnh việc chụp ảnh như chỉnh sửa tại chỗ, chia sẻ lập tức cho nóng… Có một nhiếp ảnh gia vô cùng nổi tiếng đã có một câu nói mà được bao thế hệ người yêu thích nhiếp ảnh nhớ tới: “Chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc máy ảnh bạn đang có”.
Tuy nhiên, mặc dù với nhiều lợi thế như vậy nhưng thực sự thì với những người dùng coi nhiếp ảnh là một công cụ kiếm cơm hay những người dùng thực sự đam mê và coi nhiếp ảnh như một sở thích nghiêm túc thì iPhone 6 vẫn chưa thể thay thế nổi tượng đài DSLR trong họ. Tại sao ư? Sau đây là những lý do, xin các bạn đọc và chúng tôi cùng tìm hiểu.
Khả năng thay thế ống kính
Một lợi thế mạnh nhất của DSLR so với các camera smart phone đó là khả năng sử dụng rất nhiều các loại ống kính khác nhau. Do đó, DSLR có thể thực hiện chụp ở rất nhiều các thể loại nhiếp ảnh khác nhau. Muốn chân dung ư? Hãy dùng các ống kính tele ngắn ! Muốn phong cảnh? Hãy chọn ống kính góc rộng! Và không chỉ dừng lại ở những thể loại như vậy, những gì người dùng muốn chụp đều có các ống kính thích hợp phục vụ chuyên biệt cho nhu cầu.
Mặt khác, tầm quan trọng của các ống kính chất lượng là không thể phủ nhận. Khả năng chụp của máy ảnh có thể được cải thiện lên rất nhiều nhờ vào các ống kính chất lượng cao. Ảnh chụp sẽ có chất lượng cao hơn, chi tiết hơn và cực kỳ chân thực.
Hãy cùng nhìn tấm ảnh dưới đây được chụp bằng máy ảnh Nikon D90 cùng ống kính tele 300mm. Chủ thể cách xa người chụp 15 mét, smartphone làm sao chụp được những tấm như vậy!
Còn về chụp người, các máy DSLR cho ra những bức ảnh nhìn đẹp hơn. DSLR được thiết kế chuyên biệt để “nịnh” người xem mà có vẻ như smartphone thì “phũ” hơn:
Mặc dù trên thị trường có nhiều bộ ống kính ngoài dành cho iPhone như Olloclip 4-trong-1, iPro lens kit… dù có thể cải thiện tình hình nhưng những ống kính như vậy không thể có chất lượng quang học tốt bằng ống kính của DSLR. Lý do ở vật liệu chế tạo những bộ ống kính như vậy không được tốt. Những bộ ống kính đắt nhất cho smart phone giá xung quanh 200$ tới 300$ trong khi những chiếc rẻ nhất của DSLR nằm trong tầm giá như vậy.
Công thái học
Đúng, smart phone rất gọn nhẹ và tiện dụng. Nó được chế tạo để người dùng mang theo cả ngày, dễ rút ra, rất nhiều tính năng chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay người dung. Tuy nhiên, smart phone không được thiết kế để chụp ảnh, đơn giản như vậy.
Ngay từ cách cầm thiết bị để chụp, smart phone đã nhận phần thua thiệt. Mọi người thường cầm smarphone bằng 6 ngón tay chia đều 2 bên cạnh máy, tư thế chụp như vậy rất không chắc chắn và đa phần ảnh sẽ bị rung. Do đó mỗi khi chụp ảnh phải chụp thêm nhiều tấm nữa để “cho chắc”. Và tất nhiên là các tùy chọn thông số cho bức ảnh gần như không được để mắt tới . Kể cả khi có ai đó chịu khó “vọc” với những ứng dụng chụp ảnh cho phép điều chỉnh thì thực sự cũng rất khó để thực hiện trên màn hình cảm ứng nhanh chóng và chính xác. Chỉnh xong rồi thì khoảnh khắc bay mất tiêu còn đâu?
Trái lại, DSLR đã có một lịch sử phát triển lâu đời chỉ dành riêng phục vụ mục đích chụp ảnh sao cho nhanh chóng và chính xác nhất. Những phím cơ trên DSLR mang lại cảm giác điều chỉnh tốt hơn rất nhiều trên màn cảm ứng, do đó người chụp có thể tùy chỉnh tiện lợi nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều. Và lợi thể cuối cùng đó là khe ngắm quang học. Người dùng DSLR có thể quan sát chính xác khung hình thông qua khe ngắm cùng các thông số được tích hợp hiển thị bên trong khiến việc chụp ảnh bằng DSLR thoải mái hơn đáng kể.
Khả năng tùy chỉnh
Như đã nói ở trên, smartphone cho thấy khả năng tùy chỉnh rất kém. Do đó người dùng bỏ qua và nếu sử dụng thì rất khó để làm việc như ý như DSLR.
Mọi loại máy ảnh, kể cả DSLR và smartphone đều chỉ tự hoạt động trơn tru và hoàn hảo ở điều kiện ánh sáng lý tưởng. Nếu chệch khỏi môi trường lý tưởng, không cái này thì cái kia có vấn đề, ví dụ như chụp ảnh đen trắng. Các camera ở chế độ tự động đều cho ra các sắc độ khác nhau của màu xám chứ không còn trắng-đen đơn thuần. Do đó người chụp cần thực hiện các tùy chỉnh khác nhau để chụp được một bức ảnh như ý.
Cuối cùng, camera của smartphone đều là loại có khẩu độ cố định mà chỉnh khẩu độ là một trong những tùy chỉnh quan trọng ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh. Mà thiếu điều chỉnh độ sâu trường ảnh thì chụp ảnh mất đi nhiều phần thú vị. Dưới đây là một bức ảnh chụp cận cảnh từ DSLR :
So với góc chụp tương tự từ smarphone, kém hấp dẫn hơn rất nhiều đúng không?
Kích cỡ cảm biến ảnh
Một trong số những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá chất lượng ảnh số đó là kích thước cảm biến của máy ảnh. Riêng về tiêu chí này, smartphone thua thiệt tuyệt đối.
Cảm biến ảnh được cấu tạo bởi những phần tử nhạy sáng để thu nhận lại thông tin ánh sáng từ môi trường thực tế. Cảm biến ảnh càng lớn, các phần tử nhạy sáng càng có kích cỡ to hơn cho phép ghi nhận nhiều thông tin về ánh sáng hơn nên ảnh sẽ có chất lượng tốt hơn nhiều.
Dưới đây là một bức ảnh so sánh các loại cảm biến của các dòng camera với nhau:
Đỏ là iPhone 6, vàng là của Lumiaa 1020-lớn nhất trong các dòng smartphone, tím là dòng DSLR phổ thông, da trời là của các máy full-frame và xanh lá là medium format-đứng đầu trong kích cỡ cảm biến ảnh số.
Với cảm biến ảnh lớn, ảnh chụp sẽ có độ tương phản tốt hơn, màu sắc chính xác hơn, ít nhiễu hơn nhất là trong môi trường ánh sáng yếu. Các bạn đọc hẳn đã từng chụp ảnh bằng smartphone trong điều kiện ánh sáng tối và những tấm ảnh nhiễu nhằng nhịt, bị rung và kể cả khi flash được bật cũng vẫn khó có thể coi là một bức ảnh đẹp.
Một tấm ảnh chụp bằng iPhone tại một buổi biểu diễn:
Cũng vẫn điều kiện ánh sáng tương tự, nhưng với DSLR là cả một sự khác biệt lớn:
Những chi tiết ở vùng sáng và tối được DSLR thể hiện rất tốt trong khi smartphone phải chật vật kể cả với những chi tiết rất rõ ràng trong điều kiện tối. Ảnh chụp từ smartphone có dynamic range rất hẹp nên các thành viên band nhạc được đèn chiếu vào thì rất sáng, trong khi những phần khác của ảnh thì rất tối.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra ngay cả ở trong điều kiện thừa sáng. Bức ảnh này được chụp từ DSLR:
Còn bức này là sản phẩm của smartphone:
Mặc dù cả 2 tấm ảnh đều dính bóng glare và bị giảm tương phản khi chụp ngược sáng, tuy nhiên ảnh chụp từ DSLR vẫn thể hiện rất tốt các chi tiết tại vùng bóng và tối của ảnh trong khi smartphone thì không là lại còn bị lóe nặng hơn nhiều.
Cảm biến ảnh lớn hơn cũng đồng nghĩa với độ phân giải ảnh chụp cũng lớn hơn. Khi xem ảnh chụp trên các thiết bị hiển thị cỡ lớn như TV hay màn hình máy tính vấn đề sẽ lòi ra. Ảnh từ smartphone sẽ bị vỡ nghiêm trọng vì độ phân giải bé, DSLR do cho ảnh độ phân giải lớn nên vẫn giữ tốt được độ nét của ảnh. Vấn đề này cũng xảy ra khi in ấn, và xin đừng chọn smartphone để chụp những bức ảnh mà các bạn muốn treo lên tường.
Cơ hội cho smartphone gia tăng kích thước cảm biến ảnh cũng dường như không có. Cảm biến ảnh lớn kéo theo rất nhiều vấn đề khác như năng lượng, kích thước toàn thể của cả hệ thống… Với xu thế tích hợp rất nhiều tính năng vào một dụng cụ cầm tay như smartphone thì thực sự rất khó để giải quyết bài toán này.
Lời kết thúc
So sánh vậy thôi nhưng “máy ảnh tốt nhất là máy ảnh trong tay bạn”. Tập luyện để lên tay nghề luôn luôn đúng trong mọi tình huống. Những phó nháy ngon lành đều có thể chụp những bức ảnh đẹp từ những smartphone mới. Smartphone, chúng thực sự tiện dụng và gọn lẹ cho những nhu cầu hàng ngày và có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chụp ảnh trong đa phần những tình huống thường thấy.
Chỉ là chúng chưa hạ bệ nổi tượng đài DSLR mà thôi!
Tham khảo: businessinsider