Chuyển ảnh màu thành đen trắng tương phản cao


Xin giới thiệu với bạn cách chuyển một tấm ảnh phong cảnh với trời xanh và mây trắng thành ảnh đen trắng với độ tương phản cao. Phần mềm xử lý ảnh trong bài này là Photoshop CS4, nhưng bạn cũng có thể dùng phiên bản Photoshop khác.


Trước tiên, bạn cần sử dụng tính năng Channel Mixer để lựa chọn kênh màu nào sẽ được trộn vào ảnh đen trắng. Các bạn cũng sẽ sử dụng tính năng Levels để tạo ra hiệu ứng tương phản cao tương tự như hiệu ứng mà bạn thu được khi chụp ảnh hồng ngoại. (Ảnh hồng ngoại là loại ảnh chụp với kính lọc, chỉ cho phép tia hồng ngoại đi qua in vào cảm biến. Ảnh hồng ngoại thường chỉ có hai màu đen trắng nhưng rất siêu thực. Chẳng hạn lá cây trong ảnh hồng ngoại luôn mang màu trắng).

Một số nhiếp ảnh gia khi chụp ảnh bầu trời thường sử dụng kính lọc đỏ hoặc vàng. Các kính lọc này chặn khá nhiều ánh sáng xanh dương đi qua ống kính nên phần màu xanh dương trên tấm ảnh nhìn có vẻ tối. Các bạn có thể tạo ra hiệu ứng giống như vậy trong Photoshop bằng cách sử dụng tính năng Channel Mixer để chuyển một ảnh màu sang ảnh có thang màu xám (grayscale).

Đây là tấm ảnh gốc sẽ được xử lý

Tấm ảnh này được chụp trong điều kiện thiếu sáng nên nhìn không hấp dẫn. Nhưng bằng kỹ thuật chuyển ảnh đen trắng các bạn có thể tạo ra một tấm ảnh cực kỳ ấn tượng. Trong tấm ảnh gốc này tác giả đã sử dụng kính lọc phân cực để chụp bầu trời nên các bạn thấy phần bầu trời càng lên cao càng tối. Điều này giúp chúng ta tạo được độ tương phản cao hơn khi thực hiện những bước xử lý ảnh hậu kỳ.

Bước 1

Thay vì dùng tính năng Desaturate, các bạn nên sử dụng Channel Mixer để pha trộn 3 kênh màu (đỏ, xanh dương, xanh lá) để chuyển tấm ảnh sang tông màu xám (grayscale). Nếu bạn sử dụng nhiều sắc đỏ bằng cách đặt giá trị đỏ là 110%, giá trị xanh lá là 0%, xanh dương là -10%, các bạn sẽ có một bức ảnh đen trắng với nền trời tối tương phản với màu trắng của mây. Mức Total của 3 kênh bạn cần điều chỉnh ở 100%, vì nếu để thấp hơn ảnh sẽ tối hơn, còn để cao hơn thì những chỗ nổi bật sẽ bị "thổi bay".

Lưu ý khi sử dụng Channel Mixer, đối với bất kỳ kênh màu nào không nên để giá trị âm nhiều quá, bởi vì lúc đó tấm ảnh nhìn không tự nhiên và thường tạo ra một quầng sáng bao quanh các phần trong tấm ảnh. -10% là ngưỡng giá trị thấp nhất mà bạn có thể dùng tới.

Bước 2

Sau khi đã trộn các kênh để tạo ra bức ảnh đen trắng, bước tiếp theo là lựa chọn xử lý phần bầu trời. Bạn cần phải tạo ra được một độ tương phản cao nhất đối với bầu trời mà không làm mất đi các chi tiết nổi bật (hoặc bóng tối) ở phần mặt đất. Để thực hiện điều này, bạn dùng công cụ Magnetic Laso để khoanh vùng bầu trời.

Bạn cần phải dùng hiệu ứng làm "nhòe" đường biên (hiệu ứng feather) giữa vùng được chọn và vùng không được chọn để hai vùng này không tồn tại một đường biên rõ rệt trên ảnh. Chỉ số Feather Radius bạn nên đặt ở mức 10-20% số lượng điểm ảnh trên cạnh dài nhất của tấm ảnh.

Bước 3

Sử dụng công cụ Levels, bạn điều chỉnh độ tương phản trong vùng được chọn cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được. Nếu bạn đặt chỉ số điểm đen quá cao thì bầu trời màu tối sẽ dần trở thành các ô điểm ảnh. Nếu bạn đặt chỉ số điểm trắng quá thấp thì những điểm nổi bật trên đám mây cũng sẽ biến mất.

Bạn không nên dùng tính năng Tự động điều chỉnh độ tương phản (auto contrast adjustment) bởi nó sẽ khiến cho tấm ảnh nhìn không tự nhiên.

Bước 4

Sau khi đã thiết lập được mức Levels vùng bầu trời, bạn hãy đảo ngược vùng chọn và thực hiện các thao tác tương tự với phần mặt đất.

Đây là tấm ảnh sau khi xử lý xong

Còn đây là một tấm ảnh khác trước và sau khi xử lý hậu kỳ

Đăng Khoa

Theo Digital Photography School



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn