Máy ảnh không gương lật không còn nhỏ gọn như kỳ vọng


Máy ảnh không gương lật (MRL) ban đầu được quảng bá như những lựa chọn thay thế nhỏ gọn hơn, nhẹ hơn, và tiện lợi để mang vác hơn so với DSLR. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn lại những mẫu MRL mới nhất từ Canon, Nikon, và Sony, thì điều đó có vẻ chưa đúng cho lắm. Tại sao vậy?


Máy ảnh không gương lật flagship mới của Canon, chiếc EOS R5, nặng 740g và có kích thước 13,8 x 9,75 x 8,8 cm. Chiếc DSLR có kích cỡ gần như vậy nhất của hãng, 5D Mark IV, nặng 890g và có kích thước 15,09 x 11,6 x 7,6 cm. Dù có sự khác biệt về kích thước giữa hai máy, và chiếc R5 chắc chắn nhỏ hơn và nhẹ hơn, nhưng không phải là "một trời một vực" như trước đây. Và đó là chưa tính đến ống kính gắn thêm vào.

Nếu bạn gắn ống kính RF 24-105mm f/4 L IS USM (nặng 690g) vào R5, và ống kính EF 24-105 f/4 L IS II (nặng 800g) vào 5D, tổng khối lượng của chúng sẽ tăng lên lần lượt là 1,43kg và 1,69kg. Bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt nếu cùng lúc cầm cả hai trên tay. Tuy nhiên, không có combo nào trong cả hai được xem là nhẹ cả - trên thực tế, chúng cồng kềnh như nhau.

Nhưng đây mới là vấn đề thật sự: RF 24-105 và EF 24-105 là hai ống kính có kích cỡ và hiệu năng tương đương nhau. Một trong những ưu điểm lớn nhất của máy ảnh không gương lật là chúng sử dụng những loại ngàm hoàn toàn mới, do đó các nhà sản xuất có thể chế tạo ra những ống kính tốt hơn hẳn so với DSLR.

Ống kính MRL thay thế cho ống kính EF 24-70 f/2.8 L II USM (nặng 805g) vốn cực kỳ phổ biến là RF 28-70 f/2.0 L USM, nặng đến mức khó hiểu, 1,43kg. Gắn nó vào R5, tổng khối lượng combo sẽ là 2,15kg so với 1,7kg của combo 5D và ống kính 24-70mm. Chiếc máy ảnh không gương lật lúc này nặng hơn cả một chiếc DSLR.

Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Những quyết định của Canon và Nikon

Lý do lớn nhất khiến các máy ảnh không gương lật ngày nay không thể nhỏ hơn và nhẹ hơn rất đơn giản: Canon và Nikon không muốn điều đó xảy ra.

Nền tảng DSLR của Canon và Nikon, xét về mặt kỹ thuật, đã già cỗi. Canon ra mắt ngàm EF vào năm 1987, trong khi các ống kính ngàm F đầu tiên của Nikon ra mắt năm 1959. Ví chúng như những "sinh vật" tiền sử cũng chẳng sai.

Dù Canon và Nikon đã "vắt sữa" các nền tảng ống kính của họ khá tốt, cả hai hiện đang phải đối mặt với những hạn chế khó giải quyết về mặt vật lý khi tìm cách phát triển chúng xa hơn nữa. Canon hẳn sẽ rất vui nếu có thể đưa con quái vật RF 28-70 f/2 nói trên sang DSLR. Tuy nhiên, do thiết kế của ngàm ống kính, công ty không thể chế tạo ra một ống kính tương đương dành cho DSLR, và buộc phải tiếp tục với 24-70mm f/2.8 trong hàng thập kỷ qua.

Chiếc EOS 620 đã 30 năm tuổi này vẫn dùng được hệ ống kính EF hiện tại của Canon

Khi buộc phải thiết kế một loại ngàm ống kính mới dành cho các máy ảnh không gương lật flagship của mình, Canon và Nikon không chọn con đường nhỏ hơn - họ chọn tăng kích cỡ ngàm. Bằng cách loại bỏ hệ gương, họ đã có thể giảm được khoảng cách giữa thấu kính và cảm biến, từ đó cải thiện chất lượng hình ảnh. Việc tăng bề rộng của ngàm sẽ cho phép họ chế tạo những ống kính với khẩu độ rộng hơn nữa.

Và họ cũng có thêm nhiều thứ để cải tiến hơn, cho ra những ống kính lớn hơn, điên rồ hơn.

Về lý thuyết, Canon và Nikon (và trước đó là Sony) có thể thiết kế những loại ngàm nhỏ hơn, nhưng điều đó sẽ khiến họ bị gò bó hơn. Chúng ta có lý do tiếp theo giải thích tại sao máy ảnh không gương lật vẫn quá lớn so với kỳ vọng.

Kích cỡ ống kính

Dù máy ảnh nhận được nhiều sự chú ý hơn, nhưng ống kính mới là thứ đảm đương phần lớn công việc nặng nhọc trong nhiếp ảnh. Một vấn đề lớn mà các nhà sản xuất vấp phải khi tìm cách biến mọi thứ trở nên nhỏ hơn là các định luật vật lý.

Một cảm biến máy ảnh full-frame được chuẩn hoá từ một mẩu phim 35mm. Chúng có kích thước 36 x 24mm và kích thước này không thể thay đổi được. Có những cảm biến hình ảnh nhỏ hơn, ví dụ như những cảm biến trên smartphone hay cảm biến APS-C, nhưng đi kèm với chúng là hàng loạt những yếu điểm.

Ngành công nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư cao cấp đều xoay quanh chuẩn 35mm, bao gồm cả các ống kính.

Mối liên hệ giữa tiêu cự của một ống kính và kích cỡ của cảm biến ảnh hưởng đến hình ảnh hiện lên trên ống ngắm. Trên một máy ảnh full-frame, các ống kính góc rộng có tiêu cự dưới 40mm, trong khi các ống kính telephoto thì có tiêu cự dài hơn 70mm. Ở giữa khoảng đó là các ống kính thường, mang lại góc nhìn tương tự như của mắt người.

Tuy nhiên, tiêu cự là một thuộc tính vật lý của ống kính. Một ống kính với tiêu cự 100mm không nhất thiết phải dài 100mm, nhưng sẽ xấp xỉ con số đó.

Khi mà các nhà sản xuất máy ảnh chuyên tâm vào chế tạo máy ảnh full-frame, họ cũng buộc phải chấp nhận việc các ống kính sẽ phải có một kích cỡ nhất định. Họ có thể tiết kiệm được đôi chút nếu sử dụng các vật liệu nhẹ hơn hoặc các thiết kế gọn gàng hơn. Tuy nhiên, không có cách nào để một ống kính zoom 24-70mm trở nên nhỏ hơn nhiều so với kích cỡ hiện tại của nó mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt tương đương được.

Cắt giảm hệ thống gương lật cũng chẳng giúp combo này nhỏ đi là bao

Bởi các ống kính phải duy trì một kích cỡ nhất định, máy ảnh cũng phải như vậy. Đó là lý do tại sao máy ảnh MRL full-frame nhẹ nhất của Canon, chiếc RP, vẫn nặng 480g - gần 2/3 khối lượng của chiếc flagship R5.

Ngay cả các máy ảnh nhỏ hơn, rẻ hơn, vẫn phải sử dụng những ống kính đó.

Sự sụt giảm của thị trường máy ảnh tiêu dùng

Chúng ta mới chỉ nói đến phân khúc cao cấp của thị trường máy ảnh, bởi đó là phân khúc mang lại nhiều triển vọng nhất đối với các nhà sản xuất.

Từ năm 2010, doanh số camera kỹ thuật số toàn cầu đã giảm 87%, từ 121,5 triệu xuống 15,2 triệu. Smartphone đã xâm chiếm thị trường máy ảnh tiêu dùng bình dân.

Bởi hầu hết những người muốn một chiếc máy ảnh nhỏ, nhẹ, dễ mang đi đều đã có sẵn một chiếc trong túi quần, các nhà sản xuất chẳng có lý do gì phải phát triển một sản phẩm cạnh tranh cả.

Gương lật thật ra không lớn

Một phần thường gây hiểu lầm trong cuộc tranh luận về kích cỡ và khối lượng máy ảnh là việc các gương lật trong DSLR thật ra không hề lớn. Chúng chiếm đôi chút không gian (đó là lý do tại sao các máy ảnh không gương lật có kích thước nhỏ hơn một chút), nhưng không phải là thành phần có khối lượng đáng kể. Cảm biến, các linh kiện điện tử, pin, màn hình LCD, ống ngắm, khe thẻ SD, ngàm ống kính... đều góp phần vào kích cỡ của máy ảnh.

Thêm nữa, như đã nói ở trên, dù bỏ đi gương lật giúp tiết kiệm được đôi chút không gian bên trong và giảm được đôi chút khối lượng máy ảnh, các nhà sản xuất lại tận dụng điều đó để chế tạo những loại ngàm tiên tiến hơn. Nó giống như việc loại bỏ jack headphone khỏi điện thoại chẳng hề khiến máy nhỏ hơn hay nhẹ hơn, mà góp phần tạo ra những chiếc điện thoại tiên tiến hơn vậy.

Máy ảnh không gương lật hoá ra chẳng hề nhỏ gọn

Có máy ảnh không gương lật nào nhỏ gọn không?

Nếu bạn thực sự muốn một chiếc máy ảnh không gương lật nhỏ, nhẹ, thì bạn gặp may rồi. Chúng có tồn tại, nhưng không phải là những sản phẩm flagship. Đó là bởi chúng phải đánh đổi những thông số "khủng" để giảm được kích thước.

Ví dụ, Canon có dòng máy ảnh không gương lật APS-C là EOS M. Dòng sản phẩm Alpha của Sony cũng có nhiều mẫu APS-C. Nhưng vì chúng sử dụng cùng loại ngàm như các máy ảnh full-frame, hầu hết ống kính dành cho chúng vẫn khá lớn.

Một ngoại lệ là dòng M của Leica - dòng máy ảnh rangefinder không gương lật này có kích thước nhỏ gọn nhất trong thế giới máy ảnh full-frame.

theo HowToGeek



Các tin đã đưa


photoclub.vn
Copyright © The Sun 2012 - All Rights Reserved - photoclub.vn