Tuy nhiên, trong khi số lượng ống kính trên thị trường là gần như vô tận, thì việc chọn ra chính xác loại ống kính nên sử dụng để đạt được mục đích đặt ra lại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dưới đây là tổng hợp 5 loại ống kính máy ảnh phổ biến, ưu điểm của chúng, và hoàn cảnh bạn nên sử dụng chúng, theo tư vấn của trang Makeusof.
Cơ bản về ống kính
Trước khi đi sâu vào các loại ống kính máy ảnh khác nhau, bạn cần biết điều gì tạo ra sự khác biệt giữa chúng.
Ống kính phân biệt với nhau bởi tiêu cự - một đặc điểm cho chúng ta biết ống kính đó có góc rộng ra sao, hoặc zoom cận cảnh đến mức nào. Tiêu cự được tính bằng millimet, và tiêu cự của ống kính có thể là cố định (như ống 35mm, 50mm…) hoặc là một dải zoom (như 50-200mm).
Tiêu cự về cơ bản là mức độ zoom của ống kính. Một ống kính 300mm sẽ khiến các vật thể ở xa trông gần hơn rất nhiều so với một ống kính 24mm. Bạn có thể dùng công cụ giả lập ống kính tại đây để tìm hiểu sự khác biệt giữa các tiêu cự.
Dù đây là con số chưa chính xác, nhưng tiêu cự mà mắt người có thể nhìn nhận được sẽ tương đương với khoảng 50mm trên một máy ảnh full-frame, hoặc 27mm trên một cảm biến APS-C. Có nghĩa là thứ bạn có thể nhìn thấy qua một ống kính ở tiêu cự này tương đương với thứ bạn thấy nếu bạn nhìn bằng mắt trần.
Kích cỡ cảm biến máy ảnh đóng vai trò quan trọng quyết định tiêu cự thực sự của một ống kính. Ví dụ, ống kính có tiêu cự tương đương 50mm trên máy ảnh full-frame sẽ có tiêu cự khoảng 35mm trên các máy DSLR có cảm biến crop 1.5 (Nikon, Fuji), 32mm trên các máy DSLR có cảm biến crop 1.6 (Canon), hay 25mm trên các máy cảm biến M43 crop 2.0
1. Ống kính góc rộng
Nói theo cách đơn giản nhất, một ống kính góc rộng có trường nhìn (field of view) lớn hơn, cho phép bạn đưa nhiều thứ hơn vào khung hình.
Một ống kính góc rộng thông thường có tiêu cự 24-35mm trên cảm biến full-frame, hoặc khoảng 16-24mm trên cảm biến crop. Các ống kính góc siêu rộng thậm chí còn có trường nhìn lớn hơn nữa, chụp được khung cảnh rộng lớn hơn, thường có tiêu cự rất ngắn từ 24mm trở xuống.
Các ống kính góc rộng có thể hơi khó sử dụng nếu chưa quen. Chúng làm cho độ sâu của ảnh tăng lên, kéo tiền cảnh về phía trước và đẩy hậu cảnh ra xa phía sau.
Chính vì lý do đó, khi dùng loại ống kính này, bạn nên bố trí một chủ thể ở tiền cảnh để tạo sự chú ý (và vài chủ thể khác ở giữa và hậu cảnh để tạo cảm giác độ sâu).
Ống kính góc rộng còn khiến các đường thẳng bị biến dạng. Chúng khiến đường chân trời trông như bị cong, hoặc nếu bạn chụp ảnh theo chiều dọc, các đường thẳng đứng sẽ có xu hướng chỉ vào trong. Phần mềm camera đôi lúc sẽ sửa lỗi này, nhưng bạn có thể tận dụng nó để tạo ra một số hiệu ứng khá thú vị.
Vậy chính xác thì một ống kính 24mm hoặc rộng hơn sẽ tốt cho trường hợp nào?
Trường nhìn rộng hơn đồng nghĩa bạn có thể đưa nhiều chi tiết hơn vào khung hình, do đó nó hợp với ảnh phong cảnh, thiên văn, và kiến trúc. Hình ảnh có độ sâu cao, nên hoàn hảo cho việc chụp trong nhà – một ống kính góc rộng có thể khiến một căn phòng nhỏ trông lớn hơn nhiều.
Ống kính góc rộng còn tốt trong việc chụp cảnh phố xá nói chung, bởi chúng giúp việc bắt khoảnh khắc các chủ thể đang hoạt động trong môi trường của họ dễ dàng hơn.
2. Ống kit
Khi bạn mua một chiếc máy ảnh DSLR hay bất kỳ chiếc máy ảnh nào có ống kính thay đổi được, gần như chắc chắn nó đi kèm với một ống kit chuẩn. Những ống kính zoom này rất tiện lợi, có tiêu cự từ 35-70mm trên cảm biến full-frame, hay 18-55mm trên cảm biến crop.
Ống kit là loại ống đa năng và dễ dùng bởi nó bao trọn khoảng tiêu cự phổ biến nhất trong nhiếp ảnh, từ góc vừa đủ rộng đến góc telephoto đủ dùng, và bạn dùng nó để chụp cái gì cũng được.
Ống kit được thiết kế để dùng cho nhiều mục đích, dù là phong cảnh, chân dung, hành động, đường phố… Chúng phù hợp nhất khi chụp các chủ thể ở khoảng cách từ gần tới trung bình, khi bạn không cần zoom vào thứ gì đó ở xa hoặc tiến lại rất gần để chụp một chủ thể nhỏ.
Những ống kit rất đa năng, và đó là lý do tại sao hầu hết các máy ảnh đều được bán kèm với một ống kit tương ứng.
Một trong những tình huống tốt nhất để dùng ống kit là khi bạn đi du lịch. Bởi nó là một ống kính tương đối toàn diện, bạn có thể chỉ cần duy nhất ống kit, hoặc mang theo chỉ một ống kính khác theo bên mình.
3. Ống kính telephoto và superzoom
Nếu bạn cần một ống kính để chụp những chủ thể ở rất xa, bạn nên dùng ống kính telephoto hoặc superzoom.
Các ống kính telephoto có tiêu cự cố định, bắt đầu từ khoảng 70mm. Superzoom – đúng như tên gọi của nó – là các ống kính zoom với dải tiêu cự khá lớn. Một trong số các ống kính superzoom phổ biến hiện nay là ống kính 55-200mm.
Tất nhiên vẫn có những ống kính với tiêu cự dài hơn – bạn có thể có các ống kính tiêu cự hơn 5.000mm nếu muốn, miễn là tài chính dư dả vì chúng có giá chỉ khoảng…vài nghìn đô mà thôi. Ngoài ra, chúng còn là những ống kính thuộc dạng to nhất và nặng nhất trên thị trường.
Vậy những ống kính telephoto và superzoom, như 70-300mm, được dùng vào việc gì? Chúng hữu dụng khi bạn muốn chụp cận cảnh một chủ thể ở xa, có thể là một tòa nhà ở chân trời, hay một khuôn mặt giữa đám đông. Các ống kính này cũng hoàn hảo để chụp ảnh thiên nhiên hoang dã vì nó cho phép bạn chụp cận cảnh các loài động vật mà không phải tiến lại gần chúng.
Chủ thể của bạn không nhất thiết phải ở rất xa. Nếu bạn muốn chụp một bức ảnh có chủ thể lấp đầy khung hình, thì ống kính telephoto hoặc superzoom có thể cho ra những bức ảnh khiến người xem có cảm giác họ đang ở rất gần chủ thể.
Các ống kính telephoto tiêu cự ngắn hơn có thể được dùng để chụp chân dung, bởi chúng thường khiến chủ thể nổi bật lên khỏi hậu cảnh.
4. Ống kính macro
Ống kính macro là các ống kính chuyên dụng, cực kỳ hiệu quả để chụp ảnh cận cảnh. Nhiều trong số chúng có thể cho ra một bức ảnh 1:1, có nghĩa là kích thước chủ thể chụp được bằng đúng kích thước của chúng ngoài đời. Với ống kính macro, ảnh thu được có độ chi tiết cao đến điên rồ.
Bạn có thể dùng ống kính macro để chụp hoa, sâu bọ, và các vật thể nhỏ khác, dù rằng chúng cũng phù hợp với một vài tình huống khác nữa.
Đồng xu, các bộ phận cơ khí cũ, gỗ, và các vật thể vụn vặt thường ngày như chìa khóa hay cốc nước cũng có thể trở thành một bức tranh với những họa tiết và đường nét mà bạn chưa bao giờ để ý thấy trước đó.
Ống kính macro còn cho ra những bức ảnh với độ sâu trường ảnh rất nông, chỉ nét phần tiền cảnh mà thôi, như hình trên chẳng hạn.
5. Ống kính prime
Ống kính prime luôn nằm trong danh sách những món đồ cơ bản mà mọi nhiếp ảnh gia đều phải sở hữu. Ống kính prime hoàn toàn ngược lại với ống kính zoom: nó chỉ có một tiêu cự cố định mà thôi. Và có nhiều loại ống kính prime với đủ mọi tiêu cự: từ siêu rộng, cho đến telephoto.
Nếu bạn nghĩ rằng ống kính prime giống như một bước lùi về công nghệ, khi mà các ống kính zoom có đủ mọi tiêu cự và đa dụng hơn nhiều, thì ống kính prime trên thực tế có một số ưu thế đặc biệt.
Cụ thể, ống kính prime có ít thành phần dịch chuyển hơn, nên chúng thường có chất lượng quang học cao hơn so với ống kính zoom ở cùng tiêu cự. Điều đó khiến ống kính prime trở thành lựa chọn phổ biến hơn khi chụp ảnh chân dung.
Một lợi thế lớn khác của ống kính prime là chúng thường có khẩu độ lớn hơn, tức có thể chụp ảnh đẹp hơn trong các điều kiện thiếu sáng, do đó chúng phù hợp cho chụp đêm và chụp thể thao.
Khẩu độ lớn còn đồng nghĩa bạn có thể có những bức ảnh với độ sâu trường ảnh nông hơn, làm ảnh có bokeh đẹp hơn – hậu cảnh mềm và mịn hơn.
Và tất nhiên, không có thành phần dịch chuyển nào có nghĩa ống kính prime có thể rẻ hơn một chút so với ống kính zoom, chưa kể chúng còn có kích thước nhỏ hơn nữa.
Khi nào bạn nên dùng ống kính prime? Bất kỳ lúc nào bạn muốn có một bức ảnh sắc nét, chất lượng cao. Ống kính prime thường được dùng để chụp chân dung, chụp đêm, và chụp hành động. Như đã nói ở trên, có nhiều loại ống kính prime với đủ mọi tiêu cự, nên bạn có thể tìm được một ống kính prime dành cho bất kỳ thể loại nhiếp ảnh nào mình hứng thú.
Các ống kính prime 50mm với biệt danh "nifty fifty" là các ống kính toàn diện. Rất nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng ống kính 50mm trên cảm biến crop – tức tương đương 85mm trên full-frame – để chụp chân dung.
Nên dùng ống kính nào?
Thông thường, người ta sẽ sắm một vài ống kính để dùng ở nhiều tiêu cự khác nhau mỗi khi cần thiết. Một ống prime, một ống kit, và một ống superzoom là combo vừa đủ cho người mới bắt đầu.
Tuy nhiên, bạn cần phải lựa chọn ống kính sao cho phù hợp với loại ảnh bạn muốn chụp. Và đừng quên là bạn cũng có thể sử dụng ống kính ngay cả khi chiếc máy ảnh bạn thường dùng là máy ảnh smartphone!
theo vnreview
Quảng cáo: Chúng tôi liên kết với nhà cung cấp sỉ & lẻ đồ gia dụng, đồ dùng gia đình kính mong các bạn ghé thăm vào ủng hộ tại đây